Chủ nghĩa hậu hiện đại (tiếng Pháp : postmodernisme) là thuật ngữ đa nghĩa, được sử dụng linh hoạt, nhằm chỉ một trào lưu tư tưởng, văn hóa, một hệ thống quan niệm bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau, như lí luận khoa học, triết học, nhận thức luận, mĩ học, nghiên cứu, phê bình văn học. Chủ nghĩa hậu hiện đại là một phản ứng tâm lí, một kiểu chiếm lĩnh thế giới, cảm thức vũ trụ, một cách đánh giá những khả năng nhận thức, cũng như vai trò, vị trí của con người trong thế giới khách quan. Bắt đầu hình thành từ cuối cuộc thế chiến lân thứ hai trong những lĩnh vực hết sức khác nhau, như nghệ thuật, văn học, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, chủ nghĩa hậu hiện đại được thừa nhận là hiện tượng xã hội – thẩm mĩ của nền văn hóa phương Tây, một hiện tượng độc đáo trong triết học, mĩ học và phê bình văn học.
Chủ nghĩa hậu hiện đại, với tư cách là một khuynh hướng phê bình văn học biện đại, có ý đồ khám phá, phát hiện ở cấp độ tổ chức văn bản nghệ thuật tập hợp tư tưởng – tình cảm mang nội dung vũ trụ quan. Hoạt động của nó gắn liền với tên tuổi của các nhà lí luận trụ cột như Gi.Ph. Li-ô-tát (Pháp), I. Hát-xan, Ph. Giêm-mơ-xơn (Mĩ), D. Lốt-giơ (Anh), D. Phốc-cơ-ma, T. Đa-en (Hà Lan). Dựa vào những công trình chính yếu của họ, có thể khái quát hệ thống quan niệm của chủ nghĩa hậu hiện đại thành một số điểm lớn như sau :
Thứ nhất: Chủ nghĩa hậu hiện đại là sự tổng hợp lí luận của chủ nghĩa hậu cấu trúc với thực tiễn phân tích phê bình văn học của chủ nghĩa giải cấu trúc và toàn bộ thực tiễn hoạt động sáng tạo của nghệ thuật hiện đại. Bằng cách ấy, nó có tham vọng đưa ra một cách giải thích, “một cái nhìn mới đối với thế giới”. Cho nên, nói tới chủ nghĩa hậu hiện đại, người ta hoàn toàn có thể khẳng định sự tồn tại của một tập hợp quan điểm mang tính phổ quát của chủ nghĩa hậu cấu trúc – chủ nghĩa giải cấu trúc – chủ nghĩa hậu hiện đại.
Thứ hai: Các nhà lí luận của chủ nghĩa hậu hiện đại thường xuyên nhấn mạnh tình trạng khủng hoảng của ý thức hậu hiện đại chủ nghĩa. Theo họ, tình trạng khủng hoảng ấy có nguyên nhân ở thời đại mà những quan điểm của khoa học tự nhiên hoàn toàn sụp đổ vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khiến cho uy tín của những trí thức khoa học thực chứng, cùng tất cả những giá trị cơ bản mang tính chất duy lí của nền văn minh tư sản truyền thống chỉ còn là số không. Chủ nghĩa hậu hiện đại hoàn toàn phủ nhận cái gọi là “truyền thống châu Âu”, đúng hơn là “truyền thống duy lí – tư sản”. Tâm trạng khủng hoảng vì thế trở thành tâm trạng phổ biến của thời đại. Việc chối bỏ chủ nghĩa duy lí, phủ nhận truyền thống và mọi đức tin tôn giáo được cả xã hội thừa nhận, sự nghi ngờ tính chính xác của tri thức khoa học. tức là nghi ngờ cái bức tranh thế giới được hình thành trên cơ sở cứ liệu của khoa học tự nhiên, làm nẩy sinh cái gọi là hoài nghi nhận thức luận của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Thứ ba: Chủ nghĩa hậu hiện đại cho rằng khoa học tự nhiên, khoa học chính xác, cũng như triết học truyền thống, thứ triết học dựa trên bộ máy khái niệm lôgic để khái quát những quy luật nghiêm nhặt về các mối quan hệ nhân quả không thể cảm nhận được chính xác hình ảnh thế giới như nó vốn có. Muốn chiếm lĩnh thế giới như nó vốn có chỉ có cách duy nhất là dựa vào trực giác, vào “tư duy thi ca” với những liên tưởng, hình tượng, ẩn dụ và khả nặng “đốn ngộ” trong giây lát của nó.
Thứ tư: Phù hợp với hệ thống quan điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại, các nhà phê bình văn học hậu hiện đại thường sử dụng những khái niệm công cụ cơ bản như : “vũ trụ như sự hỗn độn” và tri giác hậu hiện đại (postmodern sensibility); “thế giới như một văn bản” và “ý thức như một văn bản”, tính liên văn bản (intertextuality), “khủng hoàng uy tín”, hoài nghi nhận thức luận (epistemological uncertainty), mặt nạ tác giả (author’s mask), mã kép (double code), “phương thức trần thuật giễu nhại”, ngắt đoạn, đoạn trần thuật, “hố giao tiếp”, siêu trần thuật (metanarrative).