Chủ nghĩa hiện đại (tiếng Anh : modernism) là thuật ngữ dùng chỉ chung các trường phái văn nghệ phương Tây hiện đại như chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện sinh, tiểu thuyết dòng ý thức, tiểu thuyết mới, …
Đây là một trào lưu triết học – mĩ học trong triết học văn nghệ thế kỷ XX, phản ánh sự khủng hoảng của thế giới tư bản và hệ ý thức do nó tạo ra.
Cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa hiện đại là triết học Nít-sơ, Béc-xông, Hút-xen, học thuyết Phrớt và chủ nghĩa hiện sinh của Hai-đê-gơ. Tất cả những chủ nghĩa và học thuyết này đều lấy những giải thích khác nhau theo lối chủ quan chủ nghĩa để đối lập với chủ nghĩa duy lí của tư duy tư sản trong việc nhận thức thực tại. Điều này gắn liền với sự phát hiện những bất cập của chủ nghĩa duy lí truyền thống đối với nhận thức đời sống con người.
Về nguyên tắc mĩ học, chủ nghĩa hiện đại phủ nhận chủ nghĩa hiện thực truyền thống trong văn học nghệ thuật. Nó cho rằng chủ nghĩa hiện thực đã bị vượt qua và không còn phù hợp với cái nhìn hiện đại về thế giới. Nó hướng tới khám phá những vùng vô thức tâm linh, bí ẩn, những dòng ý thức bị che khuất, những biểu hiện phi lí của đời sống.
Ở phương Tây, chủ nghĩa hiện đại thường được đồng nhất với khái niệm “cách mạng nghệ thuật” đã làm phong phú thêm hệ thống các phương tiện tạo hình như “dòng ý thức”, độc thoại nội tâm, sự lắp ghép các liên tưởng, sự tương giao của kí ức,… Tuy nhiên những thứ này thì nhà văn hiện thực thế kỷ XIX và XX cũng đã và đang tìm tòi, thể hiện không kém phần tích cực. Chỉ khác nhau ở chỗ các nhà văn hiện thực thì dùng cái đó để nghiên cứu thể hiện con người một cách sâu sắc đa dạng hơn trong mối quan hệ với xã hội và quá trình lịch sử, còn các nhà văn theo chủ nghĩa hiện đại thì lại dùng chúng để thể hiện sự tuần hoàn vô nghĩa của kinh nghiệm sống, tình trạng tâm thần phân lập phổ biến như một quy luật tồn tại, vì sự bất lực của cá nhân trong việc đối lập với số phận của mình. Quan niệm mĩ học này đã đưa những tìm tòi trên đây của chủ nghĩa hiện đại tới lối tiếp cận hình thức chủ nghĩa với cuộc sống. Ví dụ: thi pháp được họ quan niệm như là cách xây dựng một hiện thực nghệ thuật rất ít có liên hệ với thực tại khách quan.
Trong số các nhà văn thuộc các trường phái hiện đại chủ nghĩa có những người thực sự có tài như Gi. Giôi-xơ (1882 – 1941, Ai-len), Ph. Cáp-ca (1883 – 1924, người Áo gốc Tiệp), M. Pru-xtơ (1871 – 1922, Pháp), Gi.P. Xác-tơ-rơ (1905 – 1980), A. Ca-muy (1913 – 1960, Pháp),… X. Béc-két (1906 – 1989, Ai-len), …
Cần chú ý thêm, trong các nền văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha, thuật ngữ chủ nghĩa hiện đại có một ý nghĩa khác. Đó là một khuynh hướng tiến bộ của các nhà văn ở Mĩ La-tinh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chủ trương khắc phục tính chất tỉnh lẻ của nền văn hóa nghệ thuật các nước nói tiếng Tây Ban Nha, làm cho nó tiếp cận được với các khuynh hướng mới của văn học châu Âu đương thời và đem đến cho các nền văn học Mĩ La-tinh tính độc đáo dân tộc.