Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện thực phê phán

Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện thực phê phán (tiếng Nga : realizm i kriticheskyi realizm)

Theo nghĩa rộng, thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực được dùng để xác định quan hệ giữa tác phẩm văn học dối với hiện thực, bất kể tác phẩm đó là của nhà văn thuộc trường phái hoặc khuynh hướng văn nghệ nào. Với ý nghĩa này, khái niệm chủ nghĩa hiện thực gần như đồng nghĩa với khái niệm sự thật đời sống, bởi lẽ tác phẩm văn học nào cũng phản ánh hiện thực. Vì vậy, khi nói đến tính hiện thực, hoặc chủ nghĩa hiện thực trong văn học cổ, trong sáng tác của Hô-me-rơ, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị,… là người ta muốn lưu ý rằng tác phẩm của nền văn học đó, của các tác giả đó gần gũi, gắn bó với cuộc sống và mang tính chân thực sâu sắc. Cách biểu hiện chủ nghĩa hiện thực như vậy hiện nay không còn lưu hành nữa vì không mang lại hiệu quả gì đáng kể cho nghiên cứu văn học.

Theo nghĩa hẹp, khái niệm chủ nghĩa hiện thực được dùng dể chỉ một phương pháp nghệ thuật hay một khuynh hướng, một trào lưu văn học có nội dung chặt chẽ, xác định trên cơ sở các nguyên tắc mĩ học sau đây:

– Mô tả cuộc sống bằng hình tượng tương ứng với bản chất những hiện tượng của chính cuộc sống và bằng điển hình hóa các sự kiện của thực tế đời sống.

– Thừa nhận sự tác động qua lại giữa con người và môi trường sống, giữa tính cách và hoàn cảnh, các hình tượng nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa hướng tới tái hiện chân thực các mối quan hệ khác của con người và hoàn cảnh.

– Cùng với sự điển hình hóa nghệ thuật, coi trọng những chi tiết cụ thể và độ chính xác của chúng trong việc mô tả con người và cuộc sống, coi trọng việc khách quan hóa những điều được mô tả, làm cho chúng “tự” nói lên được tiếng nói của mình.

Chủ nghĩa hiện thực luôn luôn quan tâm đến sự đa dạng phong phú về hình thức. Nó sử dụng cả huyền thoại, tượng trưng, cường điệu, ẩn dụ,… song tất cả những cái đó đều phải phục tùng những nguyên tắc sáng tác hiện thực chủ nghĩa, phục tùng sự nhận thức con người trong các mối quan hệ phức tạp với thế giới xung quanh, với những điều kiện lịch sử – xã hội cụ thể.

Nhà văn hiện thực chủ nghĩa tiếp cận với những hiện thực đời sống không phải như một người ghi chép thụ động dửng dưng, mà với ý thức chủ động khám phá. Điều quan trọng nhất đối với văn học hiện thực chủ nghĩa là sự trung thành, chính xác trong nhận thức tái hiện bản chất cuộc sống và tầm quan trọng của những tư tưởng mà nhà văn muốn thể hiện.

Vấn đề thời điểm ra đời của chủ nghĩa hiện thực cho đến nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng những nguyên tắc phản ánh hiện thực chủ nghĩa hình thành từ cổ đại và trải qua các giai đoạn phát triển lịch sử như Cổ dại, Phục hưng, Ánh sáng, thế kỷ XIX,… Một số khác thì cho là từ thời Phục hưng, một số khác nữa cho là từ thế kỷ XVIII khi tiểu thuyết sinh hoạt gia đình và sinh hoạt xã hội ra đời. Nhiều người thì lại cho rằng chủ nghĩa hiện thực như một phương pháp, một khuynh hướng nghệ thuật hình thành vào những năm 30 của thế kỷ XIX, khi trong văn học châu Âu, nguyên tắc mô tả chân thực cuộc sống được khẳng định một cách đầy đủ nhất, trong những hình thức phân tích xã hội phát triển nhất. Dù các ý kiến còn khác nhau đến đâu thì mọi người đều phải thừa nhận là từ những năm 40 thế kỷ XIX trở đi, chủ nghĩa hiện thực trong văn học đã bước sang một giai đoạn phát triển hoàn chỉnh và rực rỡ nhất cả về mặt lí luận lẫn thực tiễn sáng tác.

Trong thời kì đầu của giai đoạn này, chủ nghĩa hiện thực xuất hiện có thể nói như một kẻ đồng minh với chủ nghĩa lãng mạn trong thái độ phản ứng với trật tự xã hội đương thời và trong cuộc đấu tranh vì tính độc đáo dân tộc, lịch sử của hình tượng nghệ thuật. Vì thế, trong thời kì này rất khó phân biệt một cách rạch ròi ranh giới giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. Ví dụ: rất khó phân biệt giữa Miếng da lừa của Ban-dắc, Tu viện thành Pác-mơ của Xtăng-đan với những tác phẩm của V. Huy-gô. Nhưng từ những năm 40 của thế kỉ XIX trở đi, chủ nghĩa hiện thực đoạn tuyệt hẳn về nguyên tắc với chủ nghĩa lãng mạn và mang một cảm hứng mới trong khuynh hướng phát triển, cảm hứng phân tích phê phán trong sự cảm thụ và mô tả thực tại. Đến đây chủ nghĩa hiện thực có thêm tên mới: chủ nghĩa hiện thực phê phán.

Thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực phê phán được M. Go-rơ-ki (1868 – 1936) sử dụng đầu tiên nhằm nhấn mạnh khuynh hướng phê phán, tố cáo trong tác phẩm của các nhà văn hiện thực lớn trong văn học thế giới thế kỷ XIX. Những tác phẩm đó vừa phân tích với tinh thần phê phán toàn bộ hệ thống các quan hệ xã hội, vừa trình bày cái hiện thực mâu thuẫn giữa chế độ tư sản với những chuẩn mực nhân tính đúng như nó có trong thực tế.

Nhiều nhà văn hiện thực phê phán của các nước đã trở thành những nghệ sĩ bậc thầy của văn học thế giới như Xtăng-đan, Ban-dắc (Pháp), Thác-cơ-rây, Đích-kenx (Anh), Gô-gôn, Đốt-xtôi-ép-xki, L. Tôn-xtôi (Nga).

Ở Việt Nam, chủ nghĩa hiện thực phê phán xuất hiện vào những năm 30 của thế kỷ XX, trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội không giống với các nước châu Âu thế kỷ XIX. Nó đã có nhũng đóng góp tích cực vào sự nhận thức với tinh thần phân tích phê phán bản chất thối nát phản động của các quan hệ xã hội đương thời, nhen nhóm sự bất bình đối với thực tại đen tối, biểu thị lòng thương cảm đối với số phận của những người cùng khổ,…

Bằng những tác phẩm xuất sắc của mình, các nhà văn hiện thực phê phán tiêu biểu như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Ngô Tất Tố,… đã góp phần đáng kể vào việc phát triển văn học hiện đại nước ta.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:39 Chiều ngày 24/04/2017