Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa

chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (tiếng Nga : socialisticheskyi realism)

Phương pháp sáng tác của trào lưu văn học nghệ thuật ra đời và phát triển trong cuộc đấu tranh cho sự thiết lập và xây dựng xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản và nhân dân lao dộng các nước trên thế giới.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa lấy thế giới quan Mác – Lê-nin làm cơ sở triết học, và nguyên lí tính Đảng vô sản làm nguyên tắc chỉ đạo. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa chủ trương nhà văn, nhà nghệ sĩ miêu tả hiện thực một cách chân thực, lịch sử cụ thể trong quy trình phát triển biện chứng của nó.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa coi việc đấu tranh nhằm khẳng định bằng nghệ thuật những cái mới, tích cực, tiên tiến, tốt dẹp trong cuộc sống là nhiệm vụ chủ yếu trong việc phản ánh thực tại, nhưng đồng thời không xem nhẹ việc mô tả những cái tiêu cực, lạc hậu, xấu xa nhằm mục đích xóa bỏ chúng.

Sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không phải là một việc ngẫu nhiên. Nó đã được lịch sử chuẩn bị từ nửa sau thế kỷ XIX, đặc biệt là từ khi xuất hiện nền thơ ca công xã Pa-ri (1871). Người ta coi bài Quốc tế ca của E. Pô-chi-ê (1816 – 1887), nhà thơ công xã Pa-ri, là khởi đầu của trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sự chuẩn bị cụ thể trực tiếp hơn cho việc ra đời chủ nghĩa hiện thực xã bội chủ nghĩa là những sáng tác của M. Go-rơ-ki trong những năm 90 của thế kỷ XIX. Có thể nói trong sáng tác của M. Go-rơ-ki thời kì này đã xuất hiện những mầm mống và điều kiện ra đời của một phương pháp nghệ thuật mới: phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Song phải đợi đến lúc phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân dân lao động Nga dâng cao và cuộc cách mạng 1905 bùng nổ thì những điều kiện ra đời của nó mới thực sự chín muồi. Cho đến nay, người ta vẫn coi tiểu thuyết Người mẹ (1906) và vờ kịch Những kẻ thù (1906) của M. Go-rơ-ki là cái mốc khởi đầu và cũng là khuôn mẫu đầu tiên của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, phải nói rằng từ sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917 trở đi, khi chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa được thiết lập và củng cố trên đất nước Xô viết, nền văn học xã hội chủ nghĩa hình thành thì chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mới có điều kiện phát triển rộng khắp và trở thành một trào lưu văn học có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các nền văn học dân tộc khác trên thế giới.

Phương pháp nghệ thuật mới này lúc đầu mang nhiều tên gọi khác nhau: hiện thực cách mạng, hiện thực vô sản, hiện thực chiến đấu,… Thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa xuất hiện trên báo Văn học (Liên Xô) ngày 23 tháng 3 năm 1932 và từ đấy trở thành tên gọi chính thức. Trong quá trình vận dụng, khái niệm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nhiều khi được hiểu hạn hẹp, giáo điều, không dung chứa được nhiều tác phẩm cách mạng tiến bộ của thời kì xã hội chủ nghĩa. Ví dụ như sáng tác của M. Pri-sơ-vin, M. Bun-ga-cốp, A. Pla-tô-nốp, A. A-khơ-ma-tô-va. Từ những năm 70 của thế kỷ XX có khuynh hướng xem chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một hệ thống mở về mặt hình thức nghệ thuật trên cơ sở của tính chân thực nghệ thuật.

Ở Liên Xô (trước đây) và một số nước khác trên thế giới đã và đang có những cuộc bàn cãi sôi nổi, gay gắt xung quanh vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đây là chuyện bình thường trong học thuật do những nguyên nhân chính trị, xã hội, tư tưởng phức tạp đưa đến. Những cuộc thảo luận khoa học về văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa và văn học thế kỷ XX nói chung, chắc chắn sẽ đưa lí luận thoát khỏi tình trạng xơ cứng, giáo điều và ý thức văn học sẽ đạt được một chiều sâu mới phù hợp với thực tế lịch sử hơn.

Ở Việt Nam chủ nghĩa hiện thực xã hôi chủ nghĩa đã được nói đến trên báo chí từ năm 1936 với tên gọi: phương pháp tả thực xã hội hoặc chủ nghĩa tả chân xã hội. Tuy nhiên, sự hình thành của nó thì nhiều ý kiến cho rằng gắn liền với sự xuất hiện sáng tác truyện kí của Nguyễn Ái Quốc và thơ Tố Hữu trong khoảng thời gian từ những năm 20 tới năm 1945. Từ sau Cách mạng tháng Tám, dòng văn học này đã phục vụ hữu hiệu cho các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và sự nghiệp xây dựng xã hội theo hướng xã hội chủ nghĩa.

Cần chú ý thêm thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa khi thì được dùng với tư cách là một phương pháp sáng tác, khi thì được dùng như một khuynh hướng, một trào lưu văn học nghệ thuật. Do đó khi sử dụng cần chú ý phân biệt các cấp độ đó để có một sự vận dụng thuật ngữ thật thích đáng: trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là một thực tế, còn lí luận vô chủ nghĩa này thì có thể còn bàn luận.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:28 Chiều ngày 24/04/2017