Chủ nghĩa hình thức Nga (tiếng Nga : formal’ naya shkola) là một trường phái nghiên cứu, phê bình văn học đạt được nhiều thành tựu, có ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của cả tư tưởng khoa học lẫn ý thức nghệ thuật, vừa sâu rộng, vừa lâu bền, trôn phạm vi toàn thế giới. Trường phái này được hình thành từ hai nhóm: Nhóm Nghiên cứu văn học, thành lập ở Mát-xcơ-va năm 1914, do R. I-a-cốp-xơn đứng đầu cùng với một số trụ cột như G. Vi-nô-cua (1896 – 1947), O. Bríc, B. Tô-ma-sép-xki (1890 – 1957), và Nhóm Hội nghiên cứu ngôn ngữ thơ, cũng thành lập năm 1914, nhưng ở Pê-téc-bua, do V. Sơ-clốp-xki (1893 – 1984) đứng đầu với các thành viên chủ chốt như B. Ây-khen-ba-um (1886 – 1959), L.P. I-a-cu-bin-xki (1892 – 1945), E. Pô-li-va-nốp (1891 – 1938), Iu. Tư-nha-nốp (1894 – 1943), V. Gir-mun-xki (1891 – 1971), v.v. Vi-nô-gra-đốp (1894 – 1969). Hệ thống quan niệm của chủ nghĩa hình thức Nga có thể khái quát thành một số luận điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất
Chủ nghĩa hình thức Nga khẳng định văn học là một thế giới độc lập, có những quy luật nội tại riêng biệt. Văn học không biểu hiện tư tưởng, cũng không có mối liên hệ gì với đời sống hiện thực. B. Ây-khen-ba-um tuyên bố : “Nghệ thuật không hề có một mối liên hệ nhân quả nào với đời sống, khí chất, hay tâm lí.”. Sơ-clôp-xki nói : “Lí luận văn học của tôi chuyên nghiên cứu những quy luật nội tại của văn học. Nếu muốn có một ví dụ tương tự với sản xuất, thì tôi không quan tâm tới tình hình thị trường bông sợi của thế giới, không quan tâm tới chính sách của các công ty, tôi chỉ quan tâm kích cỡ của sợi và các phương thức dệt vải.”.
Thứ hai
Chủ nghĩa hình thức Nga xem văn học là một cấu tạo, nghệ thuật là một hệ thống thao tác, thủ pháp nhằm lạ hóa đối tượng, đổi mới cái nhìn, xóa bỏ hiện tượng “vô cảm” nghe mà không tỏ, nhìn mà không thấy do con người thường nhận biết máy móc theo thói quen các hiện tượng quen thuộc. Các nhà hình thức chủ nghĩa thường đặt cho các công trình nghiên cứu những nhan đề đầy ấn tượng, buộc người đọc phải chú ý ngay đến quan điểm mỹ học của họ, ví như, “Đôn Ki-hô-tê” đã được làm ra như thế nào ? (Sơ-clốp-xki), “Chiếc áo choàng” được làm ra như thế nào ? (Ây-khen-ba-um). Năm 1917, lần đầu tiên, Sơ-clốp-xki đưa ra khái niệm ‘lạ hoá” trong bài viết Nghệ thuật là một thủ pháp. Trước đó, năm 1914, khi còn là sinh viên, trong bản luận văn có nhan đề Sự phục sinh của ngôn từ, ông khẳng định quan niệm xem nghệ thuật là một cái nhìn. Trong hàng loạt công trình nổi tiếng như Thi pháp học (1919), Bàn về lí thuyết văn xuôi (1929), Văn xuôi nghệ thuật, Suy nghĩ và phân tích (1959), Dây cung – Bàn về sự khác nhau của cái giống nhau (1970), Năng lượng nhầm lẫn, Cuốn sách bàn về kể chuyện (1981), Sơ-clốp-xki xem xét lịch sử văn học như là quá trình phá bỏ các thủ pháp cũ, đổi mới, biến cải các thủ pháp đã có. Cũng chính trong các công trình ấy, Sơ-clốp-xki khảo sát rất kĩ lưỡng nhiều thủ pháp nghệ thuật của văn xuôi, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải phân biệt cốt truyện và bản kể.
Thứ ba
Xem văn học là một cấu trức, nghệ thuật là thủ pháp nhằm lạ hoá, đổi mới cái nhìn, chủ nghĩa hình thức Nga tuyên bố họ xóa bỏ sự đối lập hình thức với nội dung. Trong cuốn Giọng điệu câu thơ Nga (1922), Ây-khen-ba-um cho rằng, việc dựa vào cú pháp lôgic để phân tích thơ tất yếu sẽ dẫn tới tính trạng tách nội dung ra khỏi hình thức. Để khắc phục tình trạng ấy, ông đưa ra khái niệm “cú pháp giọng điệu’’ và khảo sát quá trình tiến hoá của thơ Nga qua các loại hình : câu thơ điệu ca, câu thơ điệu ngâm và câu thơ điệu nói. Cuốn Lí luận văn học. Thi pháp học (1925) của Tô-ma-sép-xki có hẳn một chương mang tiêu đề: Hệ chủ đề (Tematika). Ông xem chủ đề, tư tưởng chung là nguyên tắc thống nhất của kết cấu tiểu thuyết. Chủ đề chung là sự hợp thành của cả một hệ thống chủ đề nhỏ (môtíp), cốt truyện là tổng hòa các môtíp được sắp xếp theo trật tự thời gian và kể chuyện là trật tự sắp xếp môtíp để triển khai chủ đề, khơi gợi tình cảm. Tuy nhiên, do phủ định mối quan hệ giữa văn học và đời sống hiện thực, chủ nghĩa hình thức Nga nhiều khi đồng nhất nội dung văn học với nội dung của triết học, sử học, xã hội học,…
Thứ tư
chủ nghĩa hình thức Nga cho rằng, đối tượng của nghiên cứu văn bọc không phải là văn học, mà là “tính văn học”, không phải là tác phẩm cụ thể, mà là cái làm cho tác phẩm “trở thành văn học”. Cái tạo nên “tính văn học” không phải là gì khác ngoài chất liệu ngôn từ và thủ pháp tổ chức chất liệu ấy. R. I-a-cốp-xơn tuyên bố : “Nếu như khoa học về văn học muốn trở thành khoa học thì nó phải thừa nhận “thủ pháp” là nhân vật duy nhất của nó”. Cho nên, chủ nghĩa hiện thực Nga khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ học và thi pháp học. Trong bài Nhiệm vụ của thi pháp học (1919 – 1928), V. Gir-mun-xki đề xuất ba phạm trù cơ bản của thi pháp học là chất liệu, thủ pháp và phong cách. Ông cho rằng, mỗi chương của thi pháp học phải ứng với một bộ phận của ngôn ngữ học. Ví như, thi luật học nhịp điệu, nhạc điệu ứng với ngữ âm học ; từ pháp học nghệ thuật ứng với từ vựng học, cú pháp học nghệ thuật ứng với ngữ pháp học, ý nghĩa thơ ứng với ngữ nghĩa học,…
Hệ thống lí thuyết của chủ nghĩa hình thức Nga không thể tránh khỏi những nhược điểm, hạn chế. Các nhà hình thức chủ nghĩa Nga lại thường nhấn mạnh quan điểm ỉí thuyết của mình một cách cực đoan, giống như là sự thách thức. Cho nên, suốt một thời gian dài, chủ nghĩa hình thức Nga trở thành đề tài của nhiều cuộc tranh luận và từng là đối tượng bị phê phán gay gắt. Nhưng thực tiễn phát triển của nghiên cứu, phê bình văn học, của thi pháp học hiện đại trên phạm vi toàn thế giới cho thấy, những tư tưởng khoa học và hệ thống khái niệm của chủ nghĩa hình thức Nga tỏ ra có sức sống rất lâu bền.