Chủ nghĩa lãng mạn

Chủ nghĩa lãng mạn (tiếng Anh : romanticism, tiếng Pháp : romantisme) là một trong những trào lưu văn hóa lớn nhất ở Âu – Mĩ vào cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, có ảnh hưởng và ý nghĩa lớn đối với sự phát triển văn học toàn thế giới. Vào thế kỷ XVIII, từ lãng mạn vốn được dùng để chỉ tất cả những cái gì hoang đường, kì lạ, khác thường chỉ thấy có ở trong sách chứ không có trong hiện thực.

Vào khoảng giữa thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa lãng mạn trở thành một thuật ngữ dùng để chỉ một khuynh hướng văn học mới đối lập với chủ nghĩa cổ điển.

Tiền để tư tưởng – xã hội cơ bản của nó là sự thất vọng đối với kết quả cuộc cách mạng Pháp 1789 và đối với nền văn minh tư sản nói chung. Sự bất bình với lối sống tư sản, sự chống lại cái dung tục, tầm thường, không tình nghĩa và thói ích kỉ của những quan hệ tư sản đã sớm được thể hiện trong chủ nghĩa tình cảm và tiền lãng mạn đến các nhà văn sáng tác theo chủ nghĩa lãng mạn càng trở nên đặc biệt gay gắt.

Bác bỏ cuộc sống tầm thường của xã hội văn minh tư sản, các nhà chủ nghĩa lãng mạn hướng về một thế giới khác thường mà họ tìm thấy trong các truyền thuyết và sáng tác dân gian, trong các thời đại lịch sử đã qua, trong những bức tranh kì diệu của thiên nhiên, trong đời sống, sinh hoạt, tập quán của các dân tộc và đất nước xa xôi. Họ đem những ước vọng cao cả và những biểu hiện cao nhất của đời sống tinh thần như nghệ thuật, tôn giáo, triết học, đối lập với thực tiễn vật chất tầm thường.

Những nét tiêu biểu nhất trong mô hình thế giới của các nhà văn sáng tác theo chủ nghĩa lãng mạn là:

– Một cá nhân cô đơn xung đột với môi trường xung quanh, một khát vọng tự do cá nhân vô hạn tách biệt hoàn toàn với xã hội, dẫn tới sự thích thú với những tình cảm mạnh mẽ, những tương phản gay gắt, những vận động bí ẩn tối tăm của tâm hồn.

– Vai trò to lớn của cái trực giác, vô thức.

– Ý thức đầy đủ về vai trò của cá tính sáng tạo của nghệ sĩ đối lập với sự “bắt chước tự nhiên” của chủ nghĩa cổ điển. Chủ nghĩa lãng mạn cho rằng nghệ sĩ có quyền cải biến thế giới hiện thực bằng cách tạo ra cho mình một thế giới riêng đẹp hơn, chân thực hơn và vì thế hiện thực hơn. Nó thích sự tưởng tượng phóng khoáng và bác bỏ tính quy phạm trong mỹ học và sự quy định có tính chất duy lí trong nghệ thuật. Chủ nghĩa lãng mạn đòi hỏi tính lịch sử và tính dân tộc của nghệ thuật với ý nghĩa chủ yếu là tái hiện lại màu sắc địa phương và thời đại.

Tuỳ theo thái độ phản ứng lại đối với thực tại đời sống và cách tìm lối thoát của các nghệ sĩ, người ta chia chủ nghĩa lãng mạn thành các khuynh hướng khác nhau :

  1. Khuynh hướng tiêu cực với thái độ bi quan với thực tại, tình cảm chán chường và hoài niệm quá khứ. Các đại diện xuất sắc của khuynh hướng này là Ph. Sa-tô-bri-ăng, A. La-mác-tin, A. Vi-nhi.
  2. Khuynh hướng tích cực tràn trề niềm tin vào thực tại và tương lai, lạc quan về nhân thế và khả năng sáng tạo đời sống. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là V. Huy-gô, A. Muýt-xe, Gi. Xăng. Họ nuôi dưỡng cho người đọc hoài vọng với lí tưởng tự do, bình đẳng bác ái, gợi ra một thế giới tốt đẹp mà mọi người đều sống trong sự hoà hợp vì tình thương yẽu.

Đối với từng tác phẩm cụ thể và đôi khi cả từng tác giả, việc tách bạch thành hai khuynh hướng như trên là không đơn giản. Trong đánh giá, cũng cần tránh xu hướng khắt khe, máy móc.

Chủ nghĩa lãng mạn đã có công sáng tạo ra các thể loại văn học mới như : tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, truyện viễn tưởng, trường ca trữ tình – sử thi, đặc biệt là đã đưa thơ trữ tình phát triển đến độ rực rỡ chưa từng thấy. Đồng thời nó cũng đã có những cải cách đáng kể trên lĩnh vực sân khấu.

Ở Việt Nam, chủ nghĩa lãng mạn như một trào lưu văn học xuất hiện vào những năm 30 của thế kỷ XX. Tiêu biểu cho trào lưu văn học này là sáng tác văn xuôi của nhóm Tự lực văn đoàn và sáng tác thơ ca của phong trào Thơ mới. Tuy nhiên đây là một hiện tượng văn học không thuần nhất. Ở ta đang có một sự đánh giá lại những thành tựu và những hạn chế của văn học lãng mạn 1930-1945 một cách khách quan hơn.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:27 Chiều ngày 24/04/2017