Chủ nghĩa nhân văn

Chủ nghĩa nhân văn (tiếng Anh : humanism) còn gọi là chủ nghĩa nhân đạo.

Ở cấp độ thế giới quan, chủ nghĩa nhân văn là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị của con người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp. Chủ nghĩa nhân văn không phải là một khái niệm đạo đức đơn thuần, mà còn bao hàm cả cách nhìn nhận, đính giá con người về nhiều mặt (vị trí, vai trò, khả nâng, bản chất,…) trong các quan hệ với tự nhiên, xã hội và đồng loại.

Thế giới được sáng tạo ra trong văn học nghệ thuật và bằng văn học nghệ thuật từ xưa đến nay là một thế giới mà trong đó con người luôn luôn đấu tranh chống lại mọi thế lực thù địch xuất hiện dưới mọi hình thức, để khẳng định mình, khẳng định quyền năng và sức mạnh của mình, đồng thời thể hiện khát vọng làm người mãnh liệt và cao đẹp của mình. Lòng yêu thương, ưu ái đối với con người và thân phận của nó từ trước đến nay vẫn là sự quan tâm hàng đầu của các nhà văn, nhà nghệ sĩ trong cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

Khi nói rằng : ‘Văn học là một nghệ thuật nhân văn hơn cả, người ta có thể nói những nhà văn đều là những nhà nhân văn do nghề nghiệp của mình, những người sản sinh ra chủ nghĩa nhân văn.”, chính M. Go-rơ-ki đã sử dụng khái niệm chủ nghĩa nhân văn trên cấp độ này.

Ở cấp độ lịch sử: Chủ nghĩa nhân văn là một trào lưu văn hóa – tư tưởng nảy sinh ở Italia và một số nước khác ở châu Âu thời Phục hưng (thế kỷ XIV – XVI). Những người khởi xướng trào lưu này (thường được gọi là các nhà nhân văn), các nhà thơ người Italia Pê-tơ-rắc-ca (1304 – 1374), Bô-ca-xi-ô (1313 – 1375) chủ trương giải phóng văn học nghệ thuật nói riêng và văn hoá nói chung khỏi sự bảo trợ của nhà thờ Cơ Đốc giáo và giải phóng cá nhân con người. Họ quan niệm không phải thần linh mà là con người tự định đoạt lấy số phận của mình. Con người có khả năng vô tận để hoàn thiện môi trường của mình. Trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, họ chủ trương đi sâu nghiên cứu những thành tựu rực rỡ giàu sức sống và vẻ đẹp hồn nhiên của văn hoá cổ đại Hi Lạp – La Mã đã bị quên lãng trong suốt thời Trung cổ, nhằm khôi phục những giá trị nhân văn của chúng. Họ hướng văn học nghệ thuật vào sự sáng tạo và ca ngợi cái đẹp trần thế, lành mạnh, tự nhiên, đề cao những khát vọng cao đẹp và niềm tin vào sức mạnh toàn năng của con người.

Có thể nói sự ra đời của chủ nghĩa nhân văn Phục hưng là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình giải phóng tinh thần và tự ý thức của nhân loại. Từ thời Phục hưng trở về sau, trong văn học nghệ thuật, chủ nghĩa nhân văn đã bước sang một giai đoạn phát triển mới: từng bước gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng con người về các phương diện chính trị – xã hội và các phương diện khác thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống. Nó trở thành lí tưởng thẩm mĩ có sức định hướng cho những tìm tòi sáng tạo nghệ thuật và quy định bản chất của mỗi nền văn học nghệ thuật.

Trong sáng tác văn học nghệ thuật, hình thái và mức độ biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn hết sức phong phú, đa dạng, độc đáo. Vì thế, khi tiếp nhận tác phẩm văn học không nên lược quy những giá trị nhân văn của nó vào những mệnh đề chung trừu tượng mà phải tìm ra những sắc thái biểu hiện tinh tế, độc đáo, cụ thể trong thái độ và cảm xúc thẩm mỹ của tác giả đối với con người và cuộc sống.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:27 Chiều ngày 24/04/2017