Chủ nghĩa Phrớt và văn học nghệ thuật

Chủ nghĩa Phrớt và văn học nghệ thuật (tiếng Anh: freudism) là quan niệm mỹ học lưu hành ở phương Tây mà cơ sở là phân tâm học của Phrớt, xem nghệ thuật như là kết quả của sự thăng hoa (sublimation) của sự ám ảnh vô thức của con người. Chủ nghĩa Phrớt xem xét quá trình sáng tác nghệ thuật qua sự điều tiết “nguyên tắc thoả mãn” và “nguyên tắc thực tại” (hai nguyên tắc hoạt động cơ bản của tâm lí con người).

Theo chủ nghĩa Phrớt – bản chất của sáng tác nghệ thuật đồng thời là cơ chế của quá trình sáng tác, là sự chạy trốn vào thế giới tưởng tượng, phiên dịch những ham muốn vô thức thành các hình tượng nghệ thuật mà xã hội có thể chấp nhận, thái độ “chơi đùa” đối với đời sống như là sự “hiện thực hoá” những ham muốn không được thỏa mãn vốn có nguồn gốc từ thời ấu thơ và gắn với những trải nghiệm tình dục nhằm giải thoát những ám ảnh bản năng.

Chủ nghĩa Phrớt coi khoái cảm thẩm mỹ như là sự giải thoát con người khỏi những căng thẳng tâm thần. Ý nghĩa và nội dung tác phẩm nghệ thuật với các “mã” thể hiện các ám ảnh và vô thức của nghệ sĩ. Chủ nghĩa Phrớt đã đề xuất một số hướng mới trong việc khảo sát hoạt động sáng tạo nghệ thuật và các tác phẩm nghệ thuật từ các giác độ tâm lí học. Song nó cũng chứa đựng sự sai lầm cực đoan khi coi nghệ sĩ như một con bệnh thần kinh tiềm năng đang chống lại sự điên loạn của mình bằng cách xây dựng tác phẩm nghệ thuật.

C.G. Giung (1875 – 1961), nhà tâm lí học và nhà triết học Thụy Sĩ, người phát triển phân tâm học, tìm ngọn nguồn cơ chế sáng tạo nghệ thuật ở “vô thức tập thể”, ở những mẫu gốc (archetype), tức là những dấu vết kí ức của quá khứ nhân loại, những kinh nghiệm truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia được ghi lại ở cấu trúc của thế giới bên trong con người.

Chủ nghĩa Phrớt ảnh hưởng manh đến một loạt trào lưu văn học nghệ thuật, một loạt nghê sĩ lớn, một số trào lưu khoa học nhân bản ỏ phương Tây thế kỷ XX. Khoa học chính thống ở Liên Xô (trước đây) và các nước xã hội chủ nghĩa cho đến trước những năm 90 (thế kỷ XX) đã kịch liệt lên án chủ nghĩa Phrớt, coi đó là học thuyết phản động, là sản phẩm của hệ tư tưởng tư sản suy đồi. Hiện nay, chủ nghĩa Phrớt đã được phân tích một cách toàn diện hơn, những nhân tố hợp lí, khoa học của nó đã dần dần được đánh giá thỏa đáng.

Các tác giả nổi tiếng của phê bình phân tâm học là Sác-lơ Bô-đu-in, Sác-lơ Mô-rông,…

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:26 Chiều ngày 24/04/2017