Chủ nghĩa tình cảm

Chủ nghĩa tình cảm (tiếng Pháp : sentimentalisme) là một trào lưu văn nghệ ra đời ở châu Âu vào nửa sau thế kỷ XVIII do sự khủng hoảng của chủ nghĩa duy lí Khai sáng tạo ra. Trào lưu này thể hiên rõ nét nhất ở Anh, nơi mà hệ tư tưởng của tầng lớp thứ ba hình thành sớm hơn cả và cũng bộc lộ sớm hơn những mâu thuẫn nội tại của nó.

Chủ nghĩa tình cảm coi cái cốt yếu của “bản chất con người” là tình cảm. chứ không phải là lí trí vốn đã bị thực tiễn tư sản làm mất uy tín. Chủ nghĩa tình cảm tuy vẫn trung thành với lí tưởng của trào lưu Khai sáng là xây dựng con người cá nhân chuẩn mực, song điều kiện để thực hiện nó thì chủ nghĩa tinh cảm cho rằng không phải là sự sắp xếp, xây dựng thế giới một cách “trí tuệ” mà là sự giải phóng và hoàn thiện những tình cảm “tự nhiên”. Nhân vật văn học trong chủ nghĩa tình cảm được cá thể hóa nhiều hơn, và về nguồn gốc xuất thân (hoặc về chính kiến) thì đó là người bình dân. Một trong những thành tựu quan trọng nhất của chủ nghĩa tình cảm là phát hiện ra thế giới nội tấm phong phú của con người bình dân.

Các nhà văn tiêu biểu nhất của chủ nghĩa tình cảm Anh là Ri-sác-xơn (1689 – 1761) và Xtớc-nơ (1713 – 1768), người mà tên một cuốn tiểu thuyết của mình đã được dùng để gọi tên trường phái văn học này, đó là cuốn Cuộc hành trình tình cảm (1768). Ở Pháp, nhà văn tiêu biểu là Rút-xô (1712 – 1778) với tác phẩm Nàng Ê-lôi-dơ mới được coi là đỉnh cao của chủ nghĩa tình cảm châu Âu. Ở Nga có nhà văn Ca-ram-din (1766 – 1826) với tác phẩm nổi tiếng Nàng Li-da tội nghiệp.

Thể loại mà chủ nghĩa tình cảm ưa chuộng là bi ca, tiểu thuyết , thư tín, nhật kí, du kí ….

Chú ý đừng nhầm lẫn chủ nghĩa tình cảm với chủ nghĩa tiền lãng mạn, một khuynh hướng văn học hình thành và phát triển song song với chủ nghĩa tinh cảm có nhiều điểm giống với nó, nhưng điều khác nhau cơ bản là ở thái độ đối với trào lưu Khai sáng. Chủ nghĩa tình cảm thì tiếp thu và đổi mới, còn chủ nghĩa tiền lãng mạn thì thẳng tay phủ định.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:26 Chiều ngày 24/04/2017