Chủ nghĩa vị lai (tiếng Pháp : futurisme) là một trong những trào lưu văn nghệ tiền phong chủ nghĩa xuất hiện ở châu Âu vào đầu thế kỷ XX, thịnh hành nhất ở Italia và Nga. Người khởi xướng là nhà văn Italia Ph. Ma-ri-nét-ti (1876 – 1944), tác giả cuốn tiểu thuyết Nhà vị lai Mác-pha-ca (1909), tác phẩm được coi là bản tuyên ngôn lý thuyết của chủ nghĩa vị lai. Tác phẩm ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt, sùng bái sức mạnh và cổ vũ cho chiến tranh xâm lược, coi đây như là phép “vệ sinh thế giới”. Về nguyên lí mỹ học, nó nhằm chống lại chủ nghĩa hiện thực và đề xướng một số nguyên tắc nghệ thuật của chủ nghĩa vị lai. Đó là :
– Hướng về một nền “nghệ thuật hiện đại độc đáo của tương lai”, ca ngợi cuộc sống đô thị và sức mạnh của kĩ thuật máy mốc với tính năng phi nhân cách, phi đạo đức.
– Vứt bỏ mọi truyển thống, mọi di sản văn hoá của quá khú, thách thức và chống lại thị hiếu nghệ thuật truyền thống.
– Thiên về chủ nghĩa hình thức, không quan tâm đến nội dung của hình tượng nghệ thuật, phủ nhận chức năng giáo dục, nhận thức của nghệ thuật.
Trong hội họa, các nhà vị lai từ bỏ tính tạo hình và đi tìm những hình thức biểu hiện bí hiểm, quái dị. Trong văn học, họ chủ trương phá vỡ những quy tắc ngữ pháp. Họ muốn làm một “cuộc cách mạng” trong ngôn từ. Đối với họ, giá trị của ngôn từ là ở sắc thái âm thanh chứ không phải ở ngữ nghĩa. Họ cố tạo ra những phương tiện biểu đạt mới của văn học như: cú pháp tự do khác thường; sự mô phỏng âm thanh. Những tìm tòi này của họ về thực chất chỉ là “sự cải cách trong lĩnh vực trần thuật” (phóng sự) hơn là trong lĩnh vực ngôn ngữ thi ca (R. I-a-cốp-xơn).
Ở Nga, chủ nghĩa vị lai nảy sinh như một trào lưu nghệ thuật độc đáo, không phụ thuộc vào chủ nghĩa vị lai ở Italia và không hoàn toàn giống nhau về tôn chỉ mục đích. Nó hình thành trên cơ sở tinh thần chống lại trật tự gia trưởng và tư sản đương thời. Nó là sự biểu hiện thái độ phản ứng của những trí thức văn nghệ sĩ trẻ thuộc tầng lớp tiểu tư sản thị dân đối với văn hoá truyền thống mà họ cho là đã già cỏi, lỗi thời “không tránh khỏi sụp đổ”.
Họ tạo ra những hình ảnh, màu sắc, cảm xúc thâm mỹ trái ngược với quan niệm nghệ thuật truyền thống.