Chức năng của văn học

Chức năng của văn học (tiếng Nga : funkcii literatury) là vai trò, tác dụng của văn học đối với đời sống xã hội ; giá trị xã hội của văn học đối với đời sống tinh thần của con người.

Những năm gần đây, trong giới nghiên cứu văn học ở nước ta cũng như trên thế giới đã có nhiều ý kiến thảo luận về chức năng của văn học. Có nhiều vấn đề còn cần được trao đổi thêm, nhưng phần lớn ý kiến cho rằng chức năng của văn học là một khái niệm nhiều mặt, có nội dung phong phú nên phải có cái nhìn tổng hợp, đứng ở nhiều góc độ, bình diện khác nhau để xem xét. Chính đó là cơ sở của quan niệm về tính chất nhiều chức năng của văn học, và trong số các chức năng ấy, được đặc biệt nhấn mạnh là chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ, chức nâng giao tiếp, bởi vì văn học là tiếng lòng của con người hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ.

Văn học phản ánh cuộc sống và con người. Viết văn là một hoạt động nhận thức của nhà văn đối với thế giới và cũng là đối với bản thân mình. Tiếp nhận văn học là một cách tiếp thu những nhận thức ấy. Tác phẩm văn học có thể cung cấp cho người đọc những hiểu biết phong phú về lịch sử, địa lí, về văn hoá, xã hội, về phong tục tập quán,… và quan trọng hơn là giúp họ khám phá những vấn đề xã hôi, những bí ẩn trong đời sống tình cảm và tâm hồn của con người. Văn học cũng là một hình thức để tiếp cận chân lí. Vì vậy, văn học có chức năng nhận thức.

Sự phản ánh trong văn học bao giờ cũng có khuynh hướng, gắn liền với một chỗ đứng, một cách nhìn, một thái độ đối với các hiện tượng được mô tả. Do vậy, văn học có tác dụng giáo dục, cải tạo quan điểm, tư tưởng, đạo đức,… rất lớn. Nhưng văn học giáo dục con người không phải như một nhà thuyết giáo mà như là người bạn đồng hành, đối thoại tâm tình với bạn đọc, một tấm gương để người đọc tự soi mình, nên đã chuyển quá trình giáo dục, thuyết phục từ bên ngoài thành quá trình tự giáo dục, tự thuyết phục một cách tự giác.

Sự thưởng thức văn học nghệ thuật là một hoạt động tự nguyện, chủ yếu gắn với nhu cầu về cái đẹp, muốn vươn tới lí tưởng, vươn tới sự hoàn thiện. Văn học có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu ấy thông qua sự phản ánh quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực khách quân, bồi dưỡng cho con người năng lực sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ.

Văn học cũng là một phương tiện giao tiếp. Nhà văn đặt bút sáng tác là để đáp ứng đòi hỏi bên trong bản thân mình về giãi bày, chia sẻ, trao đổi, đối thoại,… với người khác. Trong tác phẩm văn học, mỗi độc thoại, đối thoại giữa các nhân vật với nhau hoặc giữa nhà văn với nhân vật đều là những hình thức khác nhau của sự đối thoại của nhà văn với người đọc. Văn học còn là chiếc cầu nối người đọc với người đọc, một phương tiện liên kết xã hội, một hình thức tổ chức dư luận, tập hợp lực lượng.

Ngoài những chức năng cơ bản trên đây, hiện nay nhiều nhà lí luận văn học còn nhắc đến một số chức năng khác của văn học như chức năng thông báo, chức năng giải trí, chức năng kiến tạo,…

Những chức năng của văn học không tồn tại tách rời mà gắn bó chặt chẽ với nhau. Làm tốt chức năng này thì đồng thời cũng tạo điều kiện để các chức năng khác phát huy tác dụng.

Toàn bộ các chức năng của văn học luôn tác động qua lại với nhau, luôn tổn tại trong mối quan hệ chuyển hóaá nhân quả, và tuỳ theo những điều kiện lịch sử cụ thể của sự phát triển văn học ở các thời đại khác nhau, các dân tộc khác nhau, mối tương quan và trọng tâm của các chức năng cũng thay đổi. Điều đó đòi hỏi khi xem xét chức năng của văn học phải có quan điểm lịch sử đúng đắn.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:51 Sáng ngày 13/04/2017