Cốt truyện / bản kể (để bản / thuật bản), đối lập cốt truyện và bản kể là một quy ước của tự sự học, dựa trên cơ sở cho rằng văn bản trần thuật là kết quả gia công trần thuật của người trần thuật đối với một cốt truyện (để bản). Lí luận tự sự hiện đại đã tốn nhiều giấy mực để phân hóa hai mặt này, nhưng thuật ngữ thì chưa đạt được nhất trí. Gi. Ri-các-đu chia văn bản tự sự thành fiction và narration ; G. Giơ-net-tơ chia thành histoire và récit ; S. Sát tơ-man chia thành story và discourse ; R. Bác-tơ chia thành recit và narration ; X. Tô-đô-rốp gọi bằng histoire và discourse. Mỗi người có một điểm tựa cho nên có chỗ khác nhau, nhung nhìn chung không khác nhau lắm.
Chung quy cái “cốt truyện” nhằm chỉ nói cái gì, còn “bản kể” là chỉ cách nói như thế nào. Từ lâu người ta đã biết là cùng một câu chuyện nhưng có nhiều cách kể khác nhau, có thể làm thành tiểu thuyết, điện ảnh, thơ tự sự, kịch, vũ ba lê. Cho dù cùng sử dụng một thể loại thì cách kể cũng cứ khác nhau. Do đó bất cứ tác phẩm nào cũng có thể xem là một trong vô số cách biểu đạt của cùng một câu chuyện.
Trong việc trần thuật miệng, vấn đề này không nói cũng rõ. Mỗi lần kể là một lần tái sáng tạo đối với cốt truyện có sẵn trong đầu người kể. Trần thuật viết thì nói chung chỉ có một văn bản, văn bản ấy lại hình như tồn tại độc lập, không có cốt truyện nào nữa. Hơn nữa nói chung, tác phẩm nghệ thuật nói chung là sáng tác không lặp lại, xuất hiện một lần, nếu đem viết lại thì sẽ xuất hiện một văn bản mới.
Nhưng nếu viết lại, các văn bản thu được dù có khác với nguyên bản như thế nào thì vẫn có một số tuyến cốt truyện cơ bản tương đồng. Có thể nói bất cứ văn bản trần thuật nào cũng đều do cốt truyện cơ bản biến dạng mà thành, văn bản khác nhau là do phương thức hiến đổi khác nhau đó thôi.
Iu. Lốt-man và B. U-xpen-xki đã nêu ra định nghĩa như sau : “Trần thuật là thay đổi, là sự đổi thay vị trí của các yếu tố trong nội bộ cốt truyện.’’. Do có sự gia công trong quá trình từ cốt truyện chuyển hóa thành văn bản trần thuật (bản kể), một tổ chức thể loại (như vần luật của thi ca, sự ghép nối của điện ảnh, kết cấu tiểu thuyết,…) được đem gán vào cho cốt truyện, khiến nó bị cố định vào một hình thức nào đó
Chủ nghĩa hình thức Nga từ lâu đã nêu ra sự phân biệt này. Cốt truyện (fabula) là tập hợp các sự kiện vốn có, mà chưa có hình thức tồn tại cụ thể, còn truyện (siuzhet) là hình thái đặc thù dùng để kể cốt truyện ấy ra, đem lại cho nó một ý nghĩa. Giữa truyện (bản kể) và cốt truyện có thời gian khác nhau. Thời gian trong truyện nền (để bản) là liên tục, kéo dài, không đo hết được. Còn bản kể là sự lựa chọn, gia công, cho nên có đổi thay vị trí, biến dạng, lặp lại, tách rời,…
Về không gian cũng vậy, trong truyện nền không gian là toàn bộ không gian mà sự việc diễn ra, còn trong bản kể thì không gian là nơi đặt điểm nhìn để nhìn lại sự việc, nó có khung để giới hạn tầm nhìn. Do đó sự phân biệt truyện nền và bản kể giúp người đọc phát hiện những chỗ gia công và thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác phẩm.