Dã sử, chỉ các trước tác lịch sử nằm ngoài phạm vi chính sử do các quan chức nhà nước tổ chức biên soạn. Lục Quy Mông đời Đường có câu thơ mong được lưu danh trong dã sử, như thế tên gọi này đã có từ xưa. Đặc điểm của dã sử là không bị ràng buộc bởi quy tắc, thể lệ, quan điểm của các sử quan, mà trực tiếp ghi lại những điều nghe, thấy, biết, theo quan điểm của riêng mình.
Đề tài của dã sử phong phú, tự do, có thể là chuyện nhỏ, chuyện vui, hay chuyện đã thất truyền, cách viết dài ngắn tùy ý, khen chê tùy tâm, kể chi tiết hay sơ lược tùy thích, ít bị chi phối bởi tâm lí bị cấm kị, mà tư liệu thì thường phong phú, hỗn tạp hơn chính sử nhiều. Dã sử ở Trung Quốc rất phong phú, như Thuyết uyển, Liệt nữ truyện của Lưu Hướng, Ngô Việt Xuân thu của Triệu Hoa. Từ đó về sau đời nào cũng có dã sử. Ở Việt Nam, cuốn Lê Triều dã sử (khuyết danh), Lịch triều tạp kỉ của Lê Cao Lãng là những dã sử đáng chú ý.
Dã sử phong phú nhưng cũng phức tạp, ngoài các sử liệu đáng quý cũng pha trộn những sự tích mê tín dị đoan, những việc nghe lại, chép lại không có căn cứ. Tuy vậy về văn học là một tư liệu quý báu.