Đảo ngữ (còn gọi là đảo trang) là một hình thức tu từ có đặc điểm : thay đổi vị trí thông thường của một từ, cụm từ trong câu nhưng không làm mất đi quan hệ cú pháp vốn có, nhằm mục đích nhấn mạnh, thể hiện cảm xúc của người viết hoặc tạo hình ảnh, đường nét, màu sắc.
Trật tự thông thường của kết cấu cú pháp trong câu thể hiện sắc thái trung hoà. Thay đổi trật tự này với dụng ý nghệ thuật, sẽ tạo ra sắc thái tu từ.
Ví dụ : Trật tự thông thường :
Mái tóc người cha bạc phơ.
Trật tự đảo :
Bạc phơ mái tóc người cha
Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người
(Tố Hữu)
Sắc thái tu từ thể hiện ở chỗ : nhấn mạnh vào những thành phần đảo. Trong ví dụ trên, bạc phơ khi đưa lên đầu câu, đã trở thành yếu tố tiếp nhận thứ nhất của chuỗi lời nói. Bên cạnh sắc thái nhấn mạnh, đảo ngữ còn thể hiện sắc thái biểu cảm :
– Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!
(Tố Hữu)
Đảo ngữ cũng đóng vai trò đặc biệt trong việc tạo hình ảnh, đường nét, màu sắc :
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
(Bà Huyện Thanh Quan)
Các sắc thái này trong nhiều trường hợp được thể hiện đồng thời.
Hình thức đảo ngữ khá phong phú. Có thể chia thành hai loại : đảo các thành phần trong câu và đảo các thành tố trong cụm từ.