Điểm nhìn nghệ thuật

Điểm nhìn nghệ thuật (tiếng Nga : khudojestvennaya tochka zreniya; tiếng Anh : point of view), vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật, Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự đổi thay của nghệ thuật bất đầu từ đổi thay điểm nhìn.

Điểm nhìn nghệ thuật có thể được phân chia thành điểm nhìn không gian và thời gian. Nhìn xa, gần, trên, dưới, lệch, thẳng,… là điểm nhìn không gian. Nhìn từ hiện tại, quá khứ hay tương lai là điểm nhìn thời gian. Có điểm nhìn tâm lí khi người trần thuật nhìn theo tầm mắt của nhân vật có đặc diểm giới tính, lứa tuổi hoặc quan hệ thân, sơ; bên trong hay bên ngoài. Có điểm nhìn quang học, hoàn toàn khách quan. Có điểm nhìn theo một mô hình văn hoá nào đó. Chẳng hạn trong thơ cổ Việt Nam thịnh hành điểm nhìn siêu cá thể, nhà thơ tự nhìn mình như một ai ở ngoài mình nhìn vào mình. Có điểm nhìn theo một hệ tư tưởng nhất định với lập trường, quan niệm có tính giai cấp, xã hội rõ rệt.

Điểm nhìn nghệ thuật có thể hiểu là điểm rơi của cái nhìn vào khách thể. Trong trường hợp này hệ thống các chi tiết, sự phân bố và kết nối thưa, dày, sự thay thế loại chi tiết này bằng loại chi tiết khác lại là biểu hiện của điểm nhìn nghệ thuật.

Đến lượt mình điểm nhìn nghệ thuật biểu hiện qua các phương tiện nghệ thuật, ngôi kể, cách xưng gọi sự vật, cách dùng từ ngữ, kiểu câu … Điểm nhìn nghệ thuật cung cấp một phương diện để người đọc nhìn sâu vào cấu tạo nghệ thuật và nhận ra dặc điểm phong cách ở trong đó.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:42 Sáng ngày 13/04/2017