Điệp ngữ (tiếng Nga : povtor ; tiếng Pháp : redite) là một hình thức tu từ có đặc điểm : một từ, cụm từ, câu hoặc đoạn thơ văn được lặp lại với dụng ý nhấn mạnh hoặc gây ấn tượng cho người đọc, người nghe.
Điệp ngữ được sử dụng rất đa dạng trong văn học, khó có thể quy về một số kiểu hoặc nhóm hạn định. Các hình thức thơ thủ vĩ ngâm, thơ liên hoàn có dạng điệp ngữ cố định (câu cuối bài hoặc câu cuối khổ thơ lặp lại câu đầu). Điệp khúc trong các bài ca dân gian là hình thức đặc biệt của điệp ngữ (lặp lại cả một cấu trúc đoạn thơ). Trường bợp này là do ảnh hưởng của âm nhạc.
Giá trị nhấn mạnh và biểu cảm của điệp ngữ được hình thành trong mối quan hệ ngữ cảnh với những từ khác trong chuỗi lời nói. Thông thường, việc sử dụng điệp ngữ bao giờ cũng gắn liền với sự tăng tiến hoặc vận dộng của ý nghĩ và cảm xúc. Ví dụ :
Ngày đi trúc chửa mọc măng,
Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre.
Ngày đi lúa chửa chia vè,
Ngày vể lúa đã đỏ hoe khắp đồng.
Ngày đi em chửa có chồng,
Ngày về em đã con bồng con mang.
(Ca dao)
Về mặt hình thức, điệp ngữ tạo cho lời văn thông suốt, nhịp nhàng hoặc dồn dập, mạnh mẽ.