Định ngữ nghệ thuật

Định ngữ nghệ thuật (tiếng Pháp : épithète artistique) còn gọi là hình dung ngữ, tính ngữ nghệ thuật.

Phương thức chuyển nghĩa, trong đó, một từ (hoặc một cụm từ) đóng vai trò phụ nghĩa cho một từ (hoặc cụm từ) khác nhằm làm nổi bật một đặc điểm nào đó của đối tượng để tạo ra ấn tượng thẩm mỹ.

Khác với định ngữ thông thường, chỉ có ý nghĩa xác định đặc điểm vốn có của một sự vật hiện tượng, không đem lại hiệu quả thẩm mỹ (ví dụ : tóc dài, sông rộng), định ngữ nghệ thuật mang lại một ý nghĩa mới cho sự vật, hiện tượng, không chỉ ý nghĩa vốn có mà còn ý nghĩa có thể có, tạo cảm xúc cho người đọc, người nghe. Ví dụ :

– Đầu xanh đã tội tình gì…

– Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

(Truyện Kiều)

Các từ xanh, quan san là định ngữ nghệ thuật.

Nếu tách rời định ngữ nghệ thuật ra khỏi từ trung tâm thì bản thân nó không có được ý nghĩa mới và tính biểu cảm. Như vậy định ngữ nghệ thuật chỉ thực sự là nó khi kết hợp với từ trung tâm. Chỉ trong mối quan hệ kết hợp này, người đọc mới thấy được sự chuyển nghĩa độc đáo và cố mối liên tưởng bất ngờ.

Đóng vai trò định ngữ nghệ thuật có thể là tính từ, danh từ và động từ. Hai ví dụ trên, định ngữ nghệ thuật là tính từ và danh từ. Ví dụ sau đây, định ngữ nghệ thuật là động từ :

Trong và thật : sáng hai bờ suy tưởng

Sống hiên ngang mà nhân ái chan hoà

(Huy Cậu)

Định ngữ nghệ thuật là kết quả sự phát hiện của nhà văn. Tuy nhiên cũng có những định ngữ nghệ thuật thông dụng. Trong văn học dân gian thường có loại định ngữ này (A-sin chạy nhanh như gió, Cá chậu chim lồng, Màn trời chiếu đất,…).

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:37 Sáng ngày 13/04/2017