Độc giả hàm ẩn (tiếng Anh : implied reader), trong văn bản tự sự độc giả hàm ẩn là một vai bổ sung cho tác giá hàm ẩn. Nếu tác giả hàm ẩn là một tập hợp giá trị làm nền tảng cho tự sự, được suy ra từ văn bản, thì người đọc hàm ẩn là người tiếp nhận với một tập hợp giá trị của nó, cùng với tác giả hàm ẩn tạo thành hệ thống giao tiếp tự sự nhất định.
Độc giả hàm ẩn không đồng nhất với độc giả. Độc giả là những cá nhân độc lập khác nhau trong thực tại, còn người đọc hàm ẩn chỉ là một hệ quan niệm về giá trị. Nếu có một độc giả hoàn toàn tiếp nhận hệ giá trị của độc giả hàm ẩn, thì anh ta trùng với vị trí của người đọc ấy trong tác phẩm. Nếu có khác biệt, bảo lưu, anh ta sẽ phê bình, chỉ trích tác phẩm, và giữ khoảng cách với độc giả hàm ẩn.
Độc giả hàm ẩn cũng không đồng nhất với người tiếp nhận trần thuật, cũng giống như tác giả hàm ẩn không phải là người trần thuật. Người trần thuật và người tiếp nhận trần thuật trực tiếp liên quan tới hành vi trần thuật, các thành phần trong văn bản trần thuật như nhân vật, tình tiết đều nảy sinh trong sự truyền đạt thông tin giữa chúng với nhau, còn tác giả hàm ẩn và người đọc hàm ẩn thì chỉ liên quan tới hệ giá trị văn hoá, xã hội, đạo đức, thẩm mĩ của tác phẩm. Như vậy, khái niệm độc giả hàm ẩn cùng tác giả hàm ẩn hướng sự chú ý vào phương diện giá trị, văn hoá của hoạt động sáng tác và tiếp nhận văn học.