Đối

Đối (tiếng Pháp: parallélisme), còn gọi là đối ngẫu (đối: sống nhau ; ngẫu: chẵn, đôi), một phương thức tổ chức lời văn bằng cách điệp cú pháp nhằm tạo ra hai vế, mỗi vế là một câu tương đối hoàn chỉnh, được viết thành hai dòng cân xứng, sóng đôi với nhau. Ví dụ :

Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới

Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên

Trường hợp, trong nội bộ một câu, một dòng cũng có hai vế đối nhau thì gọi là tiểu đối hoặc tự đối. Thể lục bát của Việt Nam rất thích hợp với hình thức tiểu đối, Ví dụ :

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Đây là một dạng của kết cấu song hành (parallélism), kiểu kết cấu có mặt trong văn chương của tất cả các dân tộc trên thế giới. Trong văn chương cổ điển của các nước phương Đông, trước hết là của Trung Quốc và một số nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, như Triều Tiên, Việt Nam, đối được sử dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc bắt buộc của nhiều thể loại ngôn từ, như thơ, phú. Loại văn không vần, chỉ sử dụng phép đối để tổ chức văn bản như câu đối, tứ lục, kinh nghĩa, văn sách,… gọi là biền văn, hoặc văn biền ngẫu. Quan niệm về vũ trụ và cái đẹp, ngôn ngữ đơn âm tiết, giàu thanh điệu và đặc thù của thơ Trung Hoa (các dòng trong một bài thơ thường có số lượng âm tiết bằng nhau),… là những cơ sở khách quan đầu tiên tạo nên sự hình thành của phép đối và luật đối riêng biệt trong văn chương cổ điển của quốc gia này.

Luật đối của văn chương cổ điển Trung Hoa và Việt Nam có những quy định chặt chẽ và phức tạp, Nhưng về đại thể, nó yêu cầu hai vế đối phải cân xứng, sóng đôi với nhau về ýlời.

– Về lời : Mỗi vế đối có thể chỉ có ba, hoặc nam tiếng tạo thành một câu rút gọn. Ví dụ :

Ô! Quạ tha gà

Xà! Rắn bắt ngóe

Nhưng cũng có vế đối kéo dài tới 65 tiếng tạo thành một câu mở rộng, gồm nhiều đoạn câu. Ví dụ :

Thời cũng may, công đăng hỏa có gì đâu, nhẹ nhàng nhờ phận lại nhờ duyên, quan trong năm bảy tháng, quan ngoài tám chín niên, nào cờ nào biển, nào mũ nào đai, nào võng thắm lọng xanh, hài hoa gươm bạc, mặt tài tình mà gặp hội kiếm cung, khắp trời Nam bể Bấc cũng phong lưu, mùi thế nếm qua đã đủ.

Quyết trả phắt, nợ tang bồng không để vướng, ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục, hầu gái một vài cô, hầu trai năm bảy cậu, này cờ, này kiệu, này rượu này thơ, này đàn ngọt hát hay, trà chuyên thuốc lá, tay khí vũ mà ngoài vòng cương toả, lấy gió nội trăng ngàn làm tri thức, tuổi trời thêm đó là hơn.

Dù là câu rút gọn hay câu mở rộng thì số lượng âm tiết của hai vế đối phải bằng nhau. Các từ đối nhau ở hai vế phải giống nhau về từ loại và chức năng cú pháp, nhưng các âm tiết đối nhau phải trái ngược nhau về thanh điệu. Ví dụ :

Tôi tôi vôi.

Bác bác trứng.

-Về ý : Phải tìm được hai ý có quan hẹ mật thiết với nhau, hoặc tương phản, trái ngược, hoặc tương đồng, thuận chiều để đặt ở hai vế đối nhau. Ví dụ:

Đối hai ý tương phản:

– Tiệc liên hoan mới đó, não nùng rượu chửa phai mùi.

Hội truy điệu liền đây, thấp thoáng hương đà bén khói.

Đối hai ý thuận chiều :

– Non xanh nước biếc, tha hồ dạo

Rượu ngọt chè tươi, mặc sức say.

Đối có nhiều loại, vì có thể phân loại đối theo nhiều cách khác nhau. Căn cứ vào sự thuận chiều hay tương phản của lời và ý, có thể chia đối thành hai loại : đối cânđối chọi. Đối cân là đối ngang nhau, thuận chiều, nên còn gọi là chính đối hoặc thuận đối. Khi nghĩa của từ và ý của hai vế đối ngang nhau, thuận chiều thì gọi là đối cân. Khi nghĩa của từ và ý của hai vế đối tương phản, trái ngược với nhau thì gọi là đối chọi. Cho nên đối chọi còn gọi là nghịch đối hoặc phản đối. Thanh điệu của hai vế bao giờ cũng là nghịch đối (bằng đối với trắc, trắc đối với bằng). Nhưng từ loại của hai vế đối thường là thuận đối (hư từ đối với hư từ, thực từ đối với thực từ). Để tạo ra ý vị châm biếm, trào phúng, đôi khi người ta sử dụng nghịch đối, ví như dùng từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng đối với từ thuần Việt trong phong cách khẩu ngữ :

Ruột bỏ ngoài da, da bọc lấy, dòi từ trong xương

Thượng bất chính, hạ tắc loạn, dột từ trên nóc.

Dựa vào cách thức tuân thủ luật lệ, phép tắc, người ta lại có thể chia đối thành hai loại: công đối (đối chỉnh) và khoan đối (đối rộng, đối không chỉnh). Thời xưa, yêu cầu đối chỉnh (công đối) được đặt ra nghiêm ngặt trong văn chương cử nghiệp và trong thù ứng. Nhưng trong sáng tác, các nhà văn, nhà thơ thường sử dụng cả công đối và khoan đối một cách linh hoạt.

Phép đối mang lại vẻ đẹp độc đáo cho câu thơ Đường luật Trung Quốc. Phép tiểu đối cũng tạo ra vẻ đẹp riêng cho câu lục bát trong sáng tác của các nhà thơ cổ điển Việt Nam. Văn biền ngẫu để lại nhiều tác phẩm bất hủ, như Biệt phú của Giang Yêm, Vu thành phú của Bão Chiếu,… thời Nam Bắc triều ở Trung Quốc, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi,… thời Trần, Lê ở Việt Nam. Tuy nhiên, phép đối của văn chương cách luật có nhược điểm là gò bó trong việc diễn tả tư tưởng, tình cảm. Vì thế bước sang thời kì hiện đại, thơ cách luật nhường chỗ cho thơ tự do, hình thức văn xuôi gần gũi với lời ăn, tiếng nói hằng ngày.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:35 Sáng ngày 13/04/2017