Đối tượng của văn học

Đối tượng của văn học (tiếng Nga : predmet literatury), toàn bộ hiện thực khách quan trong mối liên hệ sinh động, muôn màu với cuộc sống con người, được quy định bởi khả năng chiếm lĩnh thẩm mỹ hình thành trong quá trình thực tiễn cuộc sống và nghệ thuật, là thế giới các giá trị thẩm mỹ của thực tại.

Khái niệm đối tượng của văn học trước hết khẳng định hiện thực đời sống là cơ sở phản ánh, thể hiện của văn học nghệ thuật. Thứ hai, nó xác định phương diện hiện thực riêng biệt mà văn học hướng tới chiếm lĩnh, nhào nặn để chuyển thành nội dung. Văn học miêu tả toàn bộ thế giới khách quan. Nhưng khác với khoa học, văn học không nhận thức các hiện tượng và đối tượng của thế giới hiện thực như những khách thể tự nó. Văn học tập trung khám phá thế giới trong các mối quan hệ đối với con người.

Chính cái thế giới mang giá trị, cái có ý nghĩa đối với đời sống tinh thần của con người được kết tinh trong các sự vật mới đích thực là đối tượng khám phá, phát hiện của văn học. Văn học có thể miêu tả thiên nhiên, đời sống của loài vật để thể hiện một cách nhìn hay một quan niệm nhân sinh nào đó của con người. Văn học có thể miêu tả môi trường, nội thất, vật dụng sờ hữu của con người để thể hiện năng lực, sức mạnh, tính cách của những con người ấy. Văn học cũng trực tiếp miêu tả đời sống nội tâm như một hiện tượng khách quan. Việc nhận thức toàn bộ hiện thực khách quan trong mối quan hệ với con người, đã đặt con người vào vị trí trung tâm của văn học.

Văn học bao giờ cũng ưu tiên cho việc miêu tả con người, lấy con người làm điểm tựa nhìn ra toàn bộ thế giới. Đồng thời, văn học còn nhận thức con người như những hiện tượng tiêu biểu cho các quan hệ xã hội nhất định. Về mặt này, văn học nhận thức con người như những tính cách vì mỗi tính cách chính là hiện thân cho một kiểu quan hệ xã hội nhất định. Thứ ba, khái niệm đối tượng của văn học còn xác định tính chất tổng hợp và toàn vẹn của cuộc sống mà nhà văn tái hiện với tất cả bộ mặt cụ thể – cảm tính, cá biệt. Các khoa học nhận thức con người và đời sống của nó theo kiểu phân môn, biệt loại.

Văn học ghi nhận tất cả sự sống đang phập phồng, xanh tươi, biến hoá và truyền đạt lại trong hình tượng nghệ thuật. Nhà văn miêu tả hoa đang đung đưa khoe sắc, miêu tả chim bay lượn hát ca. Cũng như thế, văn học miêu tả con người như những cá nhân cụ thể, sống động. Đó là con người đang cảm xúc, suy nghĩ và hành động trong các quan hệ đời sống.

Việc nhận thức đối tượng trong tính tổng hợp, toàn vẹn và sống động đã giúp cho văn học chẳng những khái quát được bản chất và quy luật của thế giới hiện thực, mà còn nắm bắt được trạng thái thẩm mỹ của thế giới ấy. Con người và thế giới hiện thực được miêu tả trong văn học vừa là hiện thân của cái thiện hay cái ác, cái lành hay cái dữ, lại vừa là những hiện tượng tiêu biểu cho cái đẹp hay cái xấu, cái bi hay cái hài, cái đáng yêu hay đáng ghét, cái đáng hi vọng hay đáng lên án.

Cuối cùng, đối tượng của văn học không phải là hiện tượng nhất thành bất biến, mà luôn luôn thay đổi theo sự phát triển lịch sử và khả năng chiếm lĩnh thẩm mỹ của con người. Đối tượng của văn học cũng có nghĩa là ý thức, quan niệm của văn học về đối tượng của nó, mà lịch sử văn học đã cho thấy là không ngừng đổi thay, mở rộng, đào sâu thêm trong quá trình phát triển.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:31 Sáng ngày 13/04/2017