Giá trị thẩm mỹ (tiếng Pháp : valeur esthétique) là một giá trị đặc thù, tồn tại song song với các lớp giá trị khác như giá trị thực dụng, giá trị đạo đức,… Tất cả các lớp giá trị này đều có bản chất giá trị học : mọi dạng giá trị (ví dụ : cái thiện, cái hữu ích, sự công bằng, cái đẹp, cái cao cả,…) đều biểu đạt giá trị của khách thể có được do vai trò của nó đối với hoạt động sống của một xã hội, một giai cấp, một tầng lớp xã hội hoặc của mỗi cá nhân. Vì vậy, trong lĩnh vực thẩm mỹ cũng như trong mọi lĩnh vực định hướng giá trị của con người, khái niệm “giá trị” tương ứng với khái niệm “đánh giá’’ : cả hai khái niệm đều mô tả hệ thống các quan hệ giá trị vừa chủ quan vừa khách quan, từ những phương diện khác nhau.
Tính đặc thù của giá trị thẩm mỹ bị quy định bởi tính đặc thù của quan hệ thẩm mỹ giữa con người đối với hiện thực – tức là bởi lối cảm thụ (tiếp nhận) vô tư, trực tiếp, vừa tinh thần vừa cảm tính, nhằm nhận thức và đánh giá cái hình thức chứa nội dung, cấu trúc, mức độ tính tổ chức và tính trật tự của những khách thể hiện thực. Giá trị thẩm mỹ có thể ở :
1) Những sự vật và hiện tượng tự nhiên có thể soi ngắm cảm tính ;
2) Bản thân con người (dáng vẻ, hoạt động, hành vi, ứng xử) ;
3) Những đồ vật do người sáng tạo ra thành “tự nhiên thứ hai” ;
4) Những sản phẩm của hoạt động tinh thần (khoa học, chính luận,…) mà cấu trúc của chúng có thể cảm nhận và đánh giá một cách cảm tính ;
5) Các tác phẩm nghệ thuật thuộc mọi loại hình.
Việc các khách thể này có những giá trị thẩm mỹ nhất định phụ thuộc vào hệ thống những quan hệ xã hội – lịch sử cụ thể nào đó mà chúng được đặt vào những lí tưởng nào đó, được dùng làm tiêu chuẩn đánh giá các khách thể ấy. Vì vậy, những cái mang giá trị thẩm mỹ có thể là khách thể tự nhiên, nhưng nội dung của nó bao giờ cũng là nội dung xã hội – lịch sử và liên hệ biện chứng giữa cái mang tính chất giai cấp với cái mang tính toàn nhân loại, cái mang tính dân tộc và cái mang tính quốc tế, cái mang tính cố định lịch sử và cái mang tính biến đổi, cái mang tính cộng đồng và cái mang tính cá nhân. Không chỉ các khách thể mang giá trị thẩm mỹ là đa dạng, ngay các loại giá trị thẩm mỹ cũng đa dạng. Xuất phát từ cách phân loại của mỹ học, dạng căn bản của giá trị thẩm mỹ là cái đẹp đến lượt nó, cái đẹp cũng có nhiều dạng thức cụ thể (đẹp, xinh, diễm lệ, duyên dáng, dễ thương, huy hoàng,…). Các dạng giá trị thẩm mỹ khác là cái cao cả (cũng có một loạt dạng thức cụ thể). Cũng như mọi loại giá trị chính diện (dương) khác, cái đẹp và cái cao cả cũng tương ứng biện chứng với các giá trị phủ định (âm) như cái xấu, cái thấp hèn. Một nhóm giá trị thẩm mỹ khác là cái bi và cái hài, mô tả đặc tính giá trị của những tình thế kịch tính khác nhau trong đời sống của con người và trong xã hội được mô hình hóa bằng hình tượng trong nghệ thuật.
Vấn đề xác định sự tương quan giữa giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật còn có nhiều bất đồng trong khoa học hiện đại. Có quan điểm đồng nhất hai khái niệm này (coi “cái thẩm mỹ” và “cái nghệ thuật” là những từ đồng nghĩa). Có quan điểm cho giá trị nghệ thuật là một dạng thức của giá trị thẩm mỹ (đặc trưng cho các tác phẩm nghệ thuật). Có quan điểm cho đây là hai lớp giá trị độc lập, chỉ giao chéo nhau ở nghệ thuật. Có quan điểm cho rằng giá trị thẩm mỹ chưa bao gồm hết đặc tính giá trị của tác phẩm nghệ thuật (không phải chi ở bình diện tính nghệ thuật của nó) mà chỉ song song tồn tại và có sự kết hợp với các loại hình giá trị khác như : giá trị đạo đức, giá trị chính trị, giá trị tôn giáo, giá trị tư liệu, giá trị thực dụng.