Giải thích học (hermeneutik), còn dịch là chú giải học là một tư trào triết học và văn hóa lưu hành ở các nước phương Tây sau những năm 60 thế kỷ XX, là một lí luận nghiên cứu sự lí giải và cắt nghĩa. Tôn chỉ ban đầu của nó là tìm hiểu ý nghĩa của câu, chữ hay của văn bản tác phẩm, nảy sinh vào đầu thế kỷ XIX. Người phát triển lí luận này thành một hệ thống hoàn chỉnh là Ph. Slây-ơ-ma-khơ, U. Đin-tây, M. Hai-đê-gơ, H.G. Ga-đa-mơ.
Bắt đầu từ phương pháp giải thích kinh thánh, nhằm tránh hiểu lầm do giữa đối tượng giải thích và người giải thích có khoảng cách, hiểu lầm là khó tránh. Có hai nguyên nhân hiểu lầm : một là khó khăn do lịch sử và khoảng cách thời gian ; hai là người giải thích xa lạ với tâm lí, cá tính tác giả.
Do đó Slây-ơ-ma-khơ đề ra hai mặt: giải thích ngữ pháp và giải thích tâm lí. U. Đin-tây phản đối cách giải thích tiêu cực như vậy, mà chủ trương dùng sự sống mà khôi phục nguyên hình hiện thực đời sống để có được sự lí giải đích thực. Giải thích học khác hẳn khoa học tự nhiên, nó không nhằm tìm kiếm ý nghĩa có giá trị phổ biến và không nhằm xác nhận ý nghĩa, do đó kết luận của nó không được nghiệm chứng và cũng không bị lật đổ.
Giải thích học dựa vào trực giác của người giải thích. Hai-đê-gơ phát triển giải thích học thành một phương pháp hiện sinh có tính bản thể luận của người luận chứng. Mọi giải thích đều nảy sinh từ lí giải có trước, còn mục đích của giải thích là đạt tới một lí giải mới, lầm cho nó trở thành cơ sở cho một lí giải mới hơn nữa. Do đó lí giải không phải là nắm được một sự thực, mà là lí giải một khả năng, lí giải sự hiện sinh của chúng ta.
Lí giải phơi bày phương thức của hữu thể, nó không nhằm có được tri thức mới, mà là nhằm giải thích sự tồn tại của thế giới và của con người, tức là hữu thể. H.G. Ga-đa-mơ phát triển tư tưởng của M. Hai-đê-gơ cho rằng giải thích không phải là phương pháp luận theo bất cứ ý nghĩa nào, mà là điều kiện cơ bản để lí giải, thuyết minh hiện tượng. Ông nhấn mạnh tới tính lịch sử, tính hữu hạn, tính chủ quan, tính sáng tạo của lí giải, chỉ ra nhiệm vụ của giải thích học là phơi bày nhân tố lịch sử của lí giải, cho thấy vai trò tích cực, xây dựng của chúng.
Ông coi trọng yếu tố ngôn ngữ, coi thế giới mà con người hiểu được là thế giới ngôn ngữ, thế giới hiện hình qua ngôn ngữ, cho nên quan hệ con người với thế giới là quan hệ ngôn ngữ. Vấn đề khởi đầu và chung cục của giải thích học là vấn đề ngôn ngữ như là một vấn đề bản thể luận. Giải thích học có ý nghĩa chỉ đạo đối với lí giải tác phẩm văn học.