Hàm súc là hình thức diễn đạt, qua đó, người nói có thể thông báo được một nội dung lớn nhất bằng một số lượng các yếu tố ngôn ngữ ít nhất. Đây là đặc điểm, đồng thời cũng là yêu cầu rất cao của ngôn từ văn học. Tính hàm súc của ngôn từ văn học có những biểu hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất: Tính hàm súc của ngôn từ văn học thể hiện ở tính đa nghĩa của nó. Ta nói thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm súc, vì những bài thơ hay nhất của Người thường được viết theo thể tứ tuyệt, tức là mỗi bài chỉ có 4 câu với 28 tiếng. Vậy mà đọc những bài thơ ấy ta bắt gặp không biết bao nhiêu tầng nghĩa. Có thể tìm thấy trong các bài Đi đường, Không ngủ được cả nghĩa gần, nghĩa hẹp, nghĩa đen, lẫn nghĩa xa, nghĩa rộng, nghĩa bóng. Mà nghĩa bóng, nghĩa rộng của ngôn từ văn học nhiều khi là cái rất mơ hồ, mong manh, không dễ nắm bắt. Đặc điểm này giúp ta phân biệt ngôn từ văn học với ngôn từ khoa học và lời nói trong giao tiếp hằng ngày. Ngôn từ khoa học và lời nói trong giao tiếp hằng ngày cũng đòi hỏi sự hàm súc, nhưng trong khoa học và trong giao tiếp hằng ngày, tính hàm súc thể hiện trước hết ở tính chính xác của ngôn từ. Ở đây, lời hàm súc là lời đơn nghĩa, chỉ cớ thể hiểu theo một cách duy nhất. Trong văn bọc, hàm súc là “lời ít, ý nhiều”, cùng một lời có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau và hình như hiểu theo cách nào cũng ít nhiều có lí.
Thứ hai: Tính hàm súc thể hiện ở sự thống nhất tối đa các chức năng và đặc điểm của ngôn từ nghệ thuật trong một yếu tố (hoặc một vài yếu tố) của lời nói. Ngôn từ văn học là ngôn từ hình tượng. Nó vừa là tiếng nói của một con người cụ thể, mang dấu ấn tâm trạng, tình cảm, tư tưởng và phong cách cá nhân, vừa là tiếng nói của một chủ thể hình tượng giàu sức khái quát, có khả năng đại diện cho tư tưởng, tình cảm của thời đại, của tầng lớp, giai cấp, của đất nước, non sông. Nó phải miêu tả, tái hiện những bức tranh đời sống vừa cụ thể sinh động, vừa phản ánh được bản chất, quy luật của hiện thực. Cho nên, chỉ một câu lục bát: “Cỏ non xanh tận chân trời – Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” mà có cả màu sắc, không gian, cảm giác, cảm xúc. Cũng chỉ một câu lục bát “Dưới trăng quyên đã gọi hè – Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” mà có cả hoa, cả cây, cả sự sống đang phập phồng, vận động, biến hóa và lòng người náo nức. Ở đây, ngôn lừ hàm súc là ngôn từ có nhiều tác dụng đa dạng và giàu sức khơi gợi : gợi cảnh, gợi tình, gợi hình, gợi suy nghĩ. Nhiều đoạn văn. Nhiều câu thơ trong văn thơ Việt Nam hiện đại cũng có sức khơi gợi như thế : “Nước Việt Nam từ máu lửa – Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi); “Sông Đuống trôi đi – Một dòng lấp lánh – Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì” (Hoàng Cầm) ; “Mong manh áo vải hồn muôn trượng” (Tố Hữu).
Thứ ba : Tính hàm súc của ngôn ngữ văn học còn thể hiện ở dung lượng lớn những ý nghĩ, tình cảm mà người viết không viết ra, nhưng người đọc có thể tự mình suy ra được. Đặc điểm này thể hiện rõ nét nhất trong ngôn ngữ thơ:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan là sự ghép nối của một loạt cụm từ có vẻ như rời rạc : không có định ngữ, không cớ từ quan hệ, thậm chí ngay cả vị ngữ của câu cũng không có. Nhưng người đọc vẫn có thể suy ra tất cả những từ, những tiếng mà nhà thơ không nói, không sử dụng. Chẳng hạn, có thể suy ra như sau :
(Nơi) lối xưa xe ngựa (đi lại dập dìu, tấp nập thì nay còn lại gì đâu, chỉ thấy) hồn thu thảo (hồn cỏ mùa thu).
(Trên) nền cũ (của những) lâu đài (tráng lệ, nguy nga thời trước đã phủ đầy) bóng tịch dương (bóng nắng chiều).
Những từ trong ngoặc đơn là những từ ta có thể suy ra. Vì người đọc có thể suy ra, nên nhà thơ không cần nói, khiến lời thơ trở nên cô đọng, súc tích. Cho nên, trong văn thơ, những chỗ lặng, chỗ ngừng, chỗ trống nhiều khi lại là chỗ nói được nhiều nhất. Ở đây tính hàm súc của văn chương là sự súc tích, cô đọng, là “lời chật, ý rộng”, “lời đã hết mà ý vô cùng”, để lại nhiều dư vị trong lòng người đọc.