Hành động kịch

Hành động kịch (tiếng Nga : dramaticheskoe deistvie) là phương tiện biểu đạt chủ yếu của kịch dựa trên cơ sở một chuỗi biến cố, xung đột phát sinh và kết thức theo quy luật nhân quả của các quan hệ xã hội, tâm lí. Hành động kịch gắn với các mâu thuẫn xã hội và tính cách, thể hiện thành các hành động, biến cố của nhân vật, tạo thành cơ sở của cốt truyện kịch.

Hành động kịch có thể thiên về bên ngoài dựa trên cơ sở những diễn biến của các sự kiện, cũng có thể thiên về bên trong thể hiện tâm trạng của nhân vật hơn là tình thế thực tiễn cuộc sống của nó. Nếu hành động bên ngoài phát hiện chủ yếu những xung đột cụ thể nhất thời thường nảy sinh, phát triển và được giải quyết trong khuôn khổ dây chuyền các biến cố được mô tả, thì hành động bên trong chủ yếu thể hiện những tình thế xung đột không thể vượt qua được trong kết thúc của tác phẩm. Kịch của Sê-khốp thường thiên về hành động này.

Trong một vở kịch có nhiều hành động lớn nhỏ, bao gồm từ lời phát biểu, cử chỉ, điệu bộ đến những hành vi, hoạt động của nhân vật, song tất cả đều mang tính chất chế định lẫn nhau để tạo thành hành dộng duy nhất (còn gọi là hành động xuyên suốt) mà A-ri-xtốt coi là chuẩn mực của việc tạo thành cốt truyện của bi kịch cũng như của tự sự.

Trong một vở kịch mà hành động tản mạn, thiếu tập trung, thống nhất thì kịch tính không cao và hiệu lực kịch của tác phẩm cũng bị giảm sút, khó gây được xúc động mạnh đối với công chúng.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:23 Sáng ngày 13/04/2017