Hát ghẹo

Hát ghẹo là một loại dân ca giao duyên nam nữ có ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh phía Bắc nước ta, đáng chú ý nhất là hát ghẹo Phú Thọ và hát ghẹo Thanh Hóa.

Hát ghẹo Phú Thọ còn được gọi là “hát anh chị” vì khi hát hai bên nam nữ gọi nhau bằng “anh”, “chị” hay “quan anh”, “quan chị”. Tục hát ghẹo có nhiều chỗ gần gũi với tục hát quan họ Bắc Ninh. Các cuộc hát ghẹo thường được tổ chức vào những ngày hội làng (hội mùa, hội cơm mới, hôi đầu năm) giữa nhóm nam và nhóm nữ của hai làng kết nghĩa với nhau (hai bên gọi nhau là “nước nghĩa”). Cuộc hát được tổ chức ở trong nhà (dù trời nóng hay lạnh), người hát ăn mặc chỉnh tề. Cũng như hát quan họ, hát ghẹo Phú Thọ gồm nhiều giọng (nhiều làn điệu), mỗi cuộc hát được chia thành bốn chặng (hay bốn phần) chính:

– Chặng đầu: hát chào, mời với những bài “ví đặt trầu”.

– Chặng hai: hát các bài giọng sống nói về thời tiết, thiên nhiên rồi chuyển sang đề tài tâm sự.

– Chặng ba: hát các giọng “vặt” (hát nhà trò, hát lí, hát ru).

– Chặng cuối: hát tiễn biệt với những bài “ví tiễn chân”.

Hát ghẹo Thanh Hoá không gắn với tục kết nghĩa giữa hai làng cũng không có làn điệu riêng, không có thủ tục chặt chẽ như hát ghẹo Phú Thọ. Hầu hết các huyện vùng đồng bằng Thanh Hoá đều có hát ghẹo. Ở đây, hát ghẹo diễn ra theo hai hình thức : hát lẻ và hát cuộc. Hát lẻ thường diễn ra rất ngắn. Trai gái gặp nhau “ghẹo” nhau dăm ba câu rồi chia tay. Cuộc hát kéo dài cả buổi, thậm chí suốt đêm giữa bên nam và bên nữ (mỗi bên có hàng chục người hoặc nhiều hơn). Mỗi cuộc hát cũng thường diễn ra theo ba chặng chính:

– Chặng đầu là hát dạo, hát mừng, hát thăm.

– Chặng giữa là hát đố, hát đối.

– Chặng cuối là hát thề, hát giặm, hát tiễn.

Chuyên mục: Âm nhạcVăn hóa. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:23 Sáng ngày 13/04/2017