Hát giặm

Hát giặm, ở Việt Nam có hai loại dân ca khác nhau có tên là hát giặm Nghệ – Tĩnh và hát giặm Hà Nam.

Hát giặm Nghệ – Tĩnh là sản phẩm độc đáo của nhân dân vùng Nghệ – Tĩnh, lưu hành phổ biến ở các làng xã từ khe Nước Lạnh đến Đèo Ngang và một số nơi ở Bình – Trị – Thiên. Từ giặm ở đây có nghĩa là thêm vào, điền vào. Hát giặm Nghệ – Tĩnh có thể thơ riêng gọi là thể thơ hát giặm. Thể thơ hát giặm mỗi câu cũng gồm năm tiếng như thơ ngũ ngôn của Trung Quốc nhưng có cách gieo vần và ngắt nhịp riêng. Thể ngũ ngôn Trung Quốc ngắt nhịp ở tiếng thứ hai (2/3) còn thể hát giặm Nghệ – Tĩnh ngắt nhịp ở tiếng thứ ba (3/2). Mỗi bài hát giặm gồm một hoặc nhiều khổ, mỗi khổ từ bốn câu trở lên, có khi tới chín, mười câu ; nhưng tiêu biểu và phổ biến nhất là khổ năm câu, trong đó câu thứ năm trùng lặp với câu thứ tư (lặp lại toàn câu hoặc hai ba tiếng cuối). Ví dụ :

Cuốc kêu lâu cuốc rũ

Ve hát mãi ve sầu

Mẹ nghĩ trước nghĩ sau

Rưng rưng hàng nước mắt

Tay gạt hàng nước mắt

Hát giặm Hà Nam là loại dân ca gắn với phong tục lễ hội của làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn ; huyện Kim Bảng, tinh Hà Nam.

Hát giặm Quyển Sơn có trên 32 khúc điệu ca múa. Nội dung chủ yếu là ca ngợi chiến công chống ngoại xâm, ca ngợi phong cảnh và đề cao việc sản xuất.

Chuyên mục: Âm nhạcVăn hóa. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:22 Sáng ngày 13/04/2017