Hát nói

Hát nói là một điệu hát ca trù (tức hát ả đào hay hát cô đầu) có nhạc kèm theo và có một hình thức thơ riêng được gọi là thể thơ hát nói. Đây là thể thơ cột trụ của hát ca trù, đặc biệt thịnh hành vào thế kỷ XIX. Xét về mặt văn học, hát nói là một thể thơ cách luật. Bố cục một bài thơ hát nói đầy đủ (hát nói chính cách hay chính thể) gồm mười một câu chia làm ba khổ (hay ba trổ). Các khổ và các câu trong bài hát nói thường được gọi theo tiếng chuyên môn của nhà trò như sau :

– Khổ đầu : bốn câu, gồm hai câu “lá đầu” và hai câu “xuyên thưa”.

– Khổ giữa : bốn câu, gồm hai câu “thơ” (ngũ ngôn hoặc thất ngôn) và hai câu “xuyên sau”.

– Khổ xếp : ba câu gọi là câu “dồn”, câu “xếp” và câu “keo”.

Ngoài ba phần chính, mỗi bài hát nói thường có thêm phần “mưỡi” (do chữ mạo nghĩa là “làm trùm”, “phủ lên mình”) là những câu thơ lục bát đặt ở đầu bài (gọi là “mưỡu đầu”) hoặc cuối bài (gọi là “mưỡu hậu”) để nói lên ý nghĩa bao quát toàn bài. Nếu chỉ có hai câu lục bát thì gọi là “mưỡu đơn”, bốn câu thì gọi là “mưỡu kép”.

Một bài hát nói biến cách (hay biến thể) thì số khổ giữa có thể tăng (gọi là “dôi khổ”) hoặc giảm (gọi là “thiếu khổ”).

Về số tiếng trong câu vừa cố định vừa tự do. Phần cố định bắt buộc là hai câu thơ ở khổ giữa (nhất thiết phải là ngũ ngôn hay thất ngôn), các câu mưỡu (phải là thơ lục bát) và câu cuối (phải đúng sáu tiếng). Còn các câu khác chỉ có thể kéo dài hoặc rút ngắn nhưng phổ biến là bảy, tám tiếng. Việc gieo vần, ngắt nhịp trong thể cũng tương đối tự do. Sang thế kỷ XX, các nhà thơ hiện đại Việt Nam đã tiếp thu nhiều yếu tố của thể hát nói để sáng tạo ra thể thơ tám tiếng – một thể thơ rất thịnh hành trong phong trào Thơ mới.

Chuyên mục: Âm nhạcVăn hóa. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:24 Chiều ngày 24/04/2017