Hát xoan

Hát xoan là một loại dân ca phổ biến ở nhiều nơi trong tỉnh Phú Thọ. Hát xoan là một loại dân ca nghi lễ vào các dịp hội hè đầu năm. Xoan là “xuân” nói chệch đi để kiêng tên các vị thánh mẫu (có tên là Xuân Lan và Xuân Dung).

Hát xoan có phường hội, có bài bản, có lề lối khá ổn định và chặt chẽ, hàng năm được tổ chức khá công phu. Mỗi phường hát xoan thường có khoảng 13 đến 16 người (một ông trùm, bốn ông kép, bảy – tám đào). Mỗi cửa đình thường có một hoặc hai, ba phường xoan. Trình tự của một buổi hát xoan lề lối thường có ba bước :

– Bước một, gồm những bài hát chúc (như giáo trống, giáo pháo,…)

– Bước hai, là phần chính gồm 14 bài ngâm vịnh khá dài gọi là 14 quả cách (như xuân thời cách, hạ thời cách, thu thời cách,…).

– Bước ba, gồm các loại giọng vặt và trò chơi. Tước bỏ phần nghi lễ, chúc tụng, nội dung chủ yếu của hát xoan là ca ngợi thiên nhiên đất nước, phản ánh cuộc sống lao động và khát vọng ấm no, yên vui, hạnh phúc của nhân dân.

hat

Nghệ thuật Hát Xoan

Giá trị nổi bật toàn cầu

Hồ sơ hát xoan Phú Thọ đã hội đủ các yêu cầu cần thiết của UNESCO để được công nhận là:

  • Tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác;
  • Sức sống mạnh mẽ của hát xoan cũng như các cam kết bảo vệ nghệ thuật này không bị biến mất trong đời sống hiện đại.
  • Đây là một số ít những hồ sơ nhận được toàn bộ sự ủng hộ của hội đồng tư vấn khoa học xét duyệt sơ khảo trước đó.

Hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa…

Hát xoan được vinh danh góp phần tôn vinh các giá trị, đạo lý của Việt Nam, khẳng định vị thế dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Ngày 24/11/2011, Hát Xoan được chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể là một thành công rất lớn.

Bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa hát Xoan

Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hát Xoan trong không gian văn hóa đương đại gặp rất nhiều khó khăn như:

1. Các nghệ nhân biết Hát Xoan và truyền dạy Hát Xoan đang mất dần đi. Lớp trẻ ít hiểu biết và không tâm huyết lắm về loại hình dân ca truyền thống này.

2. Hát Xoan chỉ được tổ chức ở cửa đình và trong các lễ hội mùa xuân nên không gian, thành phần, lứa tuổi tham gia Hát Xoan không được phát triển rộng.

3. Trong 4 phường Xoan gốc, cách tổ chức diễn xướng của các phường giống nhau nhưng lời ca, giai điệu, tiết tấu, vũ đạo… có nhiều điểm khác nhau dẫn tới thiếu sự thống nhất và cục bộ giữa các phường Xoan.

4. Các tài liệu thành văn đã thất lạc rất nhiều, chỉ còn trong trí nhớ của các nghệ nhân nên đôi khi dẫn đến sai lệch.

Tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan cũng như việc sưu tầm, nghiên cứu cho đến bảo tồn và phục hồi Hát Xoan là việc hết sức cần thiết để bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Liên kết ngoài

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:17 Sáng ngày 13/04/2017