Hư cấu

Hư cấu (tiếng Anh : fiction), với nghĩa là một hoạt động, hư cấu là vận dụng trí tưởng tượng để sáng tạo nên những nhân vật, câu chuyện, những tác phẩm nhằm phản ánh cuộc sống và thực hiện những mục đích nghệ thuật nhất định.

Qua hoạt động hư cấu, nghệ sĩ nhào nặn, tổ chức chất liệu được rút ra từ cuộc sống để tạo ra những tính cách, những số phận, những hiện tượng mới, những “sinh mệnh” mới có ý nghĩa điển hình, vừa biểu hiện tập trung chân lí cuộc sống, vừa biểu hiện cá tính sáng tạo, phong cách độc đáo và lý tưởng thẩm mỹ của mình. Vì vậy, hư cấu là một trong những hoạt động cơ bản của tư duy nghệ thuật, là một trong khâu có ý nghĩa quyết định của quá trình sáng tạo nghệ thuật. M. Go-rơ-ki cho rằng, đối với nhà văn, quan sát, nghiên cứu và hiểu biết vẫn chưa đủ, còn cần phải “bịa đặt”, sáng tạo ra nữa, cho nên “không có hư cấu thì không thể và cũng không tồn tại được tính nghệ thuật“. Bàn về hư cấu, Lỗ Tấn viết : “Đại để trong việc viết ra đều có một chút duyên do nghe thấy hoặc trông thấy, nhưng quyết không dùng nguyên một sự thực ấy, mà chỉ lấy một phần rồi cải tạo thêm, phát triển ra cho đến khi hầu như có thể phát biểu trọn vẹn ý kiến của tôi mới thôi. Nguyên mẫu nhân vật cũng vậy, không dùng nguyên một người nào, thường là miệng ở Chiết Giang, mặt ở Bắc Kinh, quần áo ở Sơn Tây, là một vai được ghép lại.”.

Trong tác phẩm cụ thể, các nghệ sĩ có cá tính sáng tạo riêng với những thể loại nghệ thuật và phương pháp sáng tác khác nhau, quá trình hư cấu đã diễn ra với những cách thức và mức độ khác nhau. Song hư cấu bao giờ cũng là một hoạt động cơ bản, tất yếu của sáng tạo nghệ thuật.

Nhưng, cần ghi nhớ rằng, hoạt động hư cấu có thể đưa lại những hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, có ý nghĩa khái quát lớn lao ; mặt khác, sự hư cấu tùy tiện lại có thể tạo ra những hình tượng nghệ thuật giả tạo, xuyên tạc chân lí cuộc sống.

Với nghĩa danh từ, hư cấu nhằm chỉ bản thân sản phẩm của trí tưởng tượng sáng tạo, nhằm chỉ kết quả đích thực của hoạt động hu cấu. Chẳng hạn, nhân vật chị Dậu trong Tắt đèn là một hư cấu; nhân vật Khắc trong vở Vỡ bờ là một hư cấu.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:49 Sáng ngày 13/04/2017