Khúc

Khúc là một hình thức thơ ca cổ điển của Trung Quốc, gắn chặt với âm nhạc, có nội dung trữ tình, bắt nguồn từ thơ ca dân gian nhưng có tên gọi riêng và thịnh hành vào đời Nguyên (1280 – 1368) với các tác giả nổi tiếng như Quan Hán Khanh, Bạch Phác, Mã Trí Viễn, Vương Hoà Khanh, Lư Chí, Kiều Cát, Trương Dưỡng Hạo, Trương Khả Cửu,… Có tới 187 nhà viết khúc trong thời kì này. Về số lượng, những người viết khúc nhiều hơn cả, có thể kể đến Mã Trí Viễn (hơn 120 bài), Trương Khải Cửu (hơn 750 bài).

Khúc gồm hai loại : tiểu lệnh (tản khúc) và sáo số (đại lệnh). Tiểu lệnh là những khúc hát lẻ. Sáo số là những tổ khúc bao gồm từ hai khúc hát trở lên có cùng cung điệu.Tiểu lệnh ngắn gọn dễ sử dụng hơn sáo số, vì vậy chiếm vị trí chủ yếu trong khúc.

Đặc điểm chung của khúc là : câu thơ tự do (có câu một chữ, có câu nhiều chữ) ; vần gieo khá dày (các thanh bình, thượng, khứ đều có thể ghép vần với nhau) ; ngôn từ hoa mỹ ; cung điệu (nhạc) khá phong phú (khúc có nhiều điệu, tập hợp với nhau thành từng loại, mỗi loại gồm hàng trâm điệu khác nhau). Lời khúc có tiếng đệm. Nôi dung chủ yếu của khúc là tình yêu, thân thân, vịnh cảnh, tuy nhiên nhiều bài khúc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Ví dụ : Đồng Quan hoài cổ theo điệu Sơn Pha Dương của Trương Dưỡng Hạo (1269 – 1329) :

Núi non như hợp, sóng nước như hờn

Non nước học quanh Đồng Quan lộ

Vọng Tây Đô,

Dạ bồi hồi

Cảm thương Tần Hán xưa dấu cũ

Cung điện trước đây đều thành đất thó,

Hưng, trăm họ khổ.

Vong, trăm họ khổ.

Khúc rất giống một thể thơ khác của Trung Quốc là từ, vì cả hai đều có sự kết hợp với lời thơ và âm nhạc, đều có hình thức câu thơ tự do. Sự phân biệt chỉ ở mức độ : khúc kết hợp với âm nhạc chặt chẽ hơn từ, câu thơ của khúc có phần tự do hơn từ, khúc gieo vần dày hơn từ. Tuy vây người ta vẫn sử dụng lẫn lộn hai thuật ngữ này.

Ở Việt Nam không có khúc với những đặc điểm trên. Chữ khúc được dùng trong thuật ngữ khúc ngâm để chỉ những tác phẩm bằng thơ dài theo thể lục bát hoặc song thất lục bát, có nội dung trữ tình (Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc,…).

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 2:07 Sáng ngày 16/04/2017