Kịch bản điện ảnh (và truyền hình)

Kịch bản điện ảnh (và truyền hình) (tiếng Pháp: scénario) là kịch bản văn học làm cơ sở để xây dựng tác phẩm điện ảnh và truyền hình, khác với kịch bản phân cảnh của đạo diễn. Đặc điểm của kịch bản điện ảnh là gắn liền với hình tượng thị giác, tập trung khai thác các yếu tố thấy được của đối tượng.

Do đó, nhân vật, cốt truyện, mâu thuẫn, diễn biến,.,, đều thể hiện qua các chi tiết, động tác thấy được, không cần sự trần thuật như nhà tiểu thuyết. Trong điện ảnh, cái nghe được phục tùng cái thấy được. Đối thoại, độc thoại quá nhiều sẽ tổn hại đến tính hoàn chỉnh của hình tượng thị giác.

So với kịch bản của sân khấu, kịch bản điện ảnh có khả năng trình bày cuộc sống phong phú, nhiều mặt hơn, ít bị hạn chế của không gian và thời gian. Biện pháp ghép nối (montage) các cảnh theo một trật tự nhất định có khả nâng tạo ấn tượng so sánh, ẩn dụ, liên tưởng,…

Kịch bản truyền hình cho màn ảnh nhỏ, nhìn chung không thích hợp với những cảnh lớn, lắm người, như phim màn ảnh rộng. Nó nghiêng về khai thác cận cảnh và trung cảnh. Ngoài ra thời gian chiếu không dài, nên đòi hỏi phải súc tích, ngắn gọn. Tuy nhiên gần đây đã có phim truyền hình nhiều tập. Dù tác phẩm nhiều tập thì mỗi tập cũng gọn gàng như một chương, một vở kịch ngắn.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:52 Chiều ngày 20/04/2017