Lời chuyển thuật

Lời chuyển thuật (Tiếng Anh : reported speech) là lời nói của nhân vật được người trần thuật ghi lại trong văn bản trần thuật. Do toàn bộ trần thuật được coi là lời của người trần thuật được tác giả ghi lại, cho nên bất cứ lời chuyển thuật nào đều là sự chuyển thuật của chuyển thuật. Do đó chủ thể của hành vi lời nói trở nên phức tạp, bởi vì cả người trần thuật và chủ thể của nhân vật đều tham gia vào sự khống chế lời chuyển thuật.

Do đó hiện tượng phân hóa của chủ thể trần thuật được biểu hiện rất nổi bật trong lời chuyển thuật.

Trong lý luận phương Tây, hiện tượng này đã được chú ý từ lâu, nhưng một sự phân loại rõ ràng thì hiện nay mới có. p. Héc-na-đi, 1974 nêu ra năm loại:

  • Độc thoại trần thuật (narrated monologue) ;
  • Lời thay thế (substitutionary speech) ;
  • Lời gián tiếp độc lập (independent form of indirect discourse);
  • Lời tái hiện (represented speech);
  • Lời mô phỏng trần thuật (narrative mimicry).

Giơ-nét-tơ chia làm bốn loại:

  • Lời tái thuật (discours narrativisé) ;
  • Lời biến đổi (thay thế) (discours transposé) ;
  • Lời chuyển thuật (discours rapporté);
  • Lời nguyên dạng (discours immédiat).

Nhưng người ta có thể phân loại giản đơn hơn : Lời chuyển thuật trực tiếp và gián tiếp, lời trực tiếp là ghi lại lời của nhân vật, lời gián tiếp là do người trần thuật nói lại. Tiếp theo, lời chuyển thuật có loại dùng lời dẫn. có loại tự do, không cần lời dẫn. Phối hợp hai loại này ta có bốn loại lời chuyển thuật:

  • Lời trực tiếp có dẫn ngữ : Ví dụ : Nó giật mình rồi nói với mình: Mình sai rồi.
  • Lời gián tiếp có dẫn ngữ : Ví dụ : Nó giật mình rồi nói với mình là nó sai rồi.
  • Lời gián tiếp tự do : Ví dụ : Nó giật mình, nó thấy sai rồi.
  • Lời trực tiếp tự do : Ví dụ : Nó giật mình, mình sai rồi.

Hiện tượng này liên quan tới vai trò của chủ thể trong trần thuật. Ở phương Tây vào thời kỳ cổ điển, lời gián liếp chiếm ưu thế. Từ thời Phục hưng đến nay lời trực tiếp dần dần chiếm ưu thế. Lời trực tiếp tự do trong văn học hiện đại chuyển thành lời độc thoại nội tâm, dòng ý thức. Đó là do áp lực của tư duy hiện đại làm đổi thay hình thức trần thuật.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 2:53 Chiều ngày 27/04/2017