Lời đối thoại và lời độc thoại

Lời đối thoại và lời độc thoại (tiếng Pháp : dialogue et monologue) là các dạng giao tiếp ngôn từ cơ bản, trở thành yếu tố cấu tạo của nhiều văn bản ngôn từ khác nhau, trong đó có cả tác phẩm văn học, là nơi mà chúng xuất hiện như là đối tượng miêu tả.

Các lời phát ngôn tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các quá trình giao tiếp và thực hiện giao tiếp đều có tính chất đối thoại theo nghĩa rộng. Sự phân biệt lời đối thoại và lời độc thoại là căn cứ vào cách thực hiện chức năng giao tiếp.

Lời đối thoại (đối đáp) là lời trong cuộc giao tiếp song phương mà lời này xuất hiện như là một phản ứng đáp lại lời nói trước. Lời đối thoại bộc lộ thuận lợi nhất khi hai bên đối thoại có sự tiếp xúc phi quan phương và không công khai, không bị câu thúc, trong không khí bình đẳng về mặt đạo đức của người đối thoại. Lời đối thoại thường kèm theo các động tác cừ chỉ biểu cảm và tạo nên bởi phát ngôn của nhiều người.

Lời độc thoại không đòi hỏi sự đáp lại, độc lập với phản ứng của người tiếp nhận và được thể hiện thoải mái cả trong hình thức nói lẫn viết. Bề ngoài lời độc thoại không bị ai ngắt quãng, nhưng cũng có khi bị ngắt bởi “người đối thoại” tưởng tượng. Lời nói này thường xuất hiện trong tâm trạng con người cô đơn và bị biệt lập về mặt tâm lý, hoặc giao tiếp với thần linh, người chết, mang tính chất ước lệ rõ rệt. Văn nhật ký, hồi ký , văn chính luận đều có tính chất độc thoại. Hoạt dộng giao tiếp tưởng tượng này sẽ chuyển hóa thành cuộc đối thoại nội tâm.

Trong tác phẩm văn học, hai dạng lời này có thể thâm nhập vào nhau như trong kịch. Lời độc thoại trần thuật có thể bao hàm đối thoại.

Trong khoa học hiện đại, khi đối thoại được xem là bản chất bao trùm quan trọng nhất của hoạt động lời nói thì cả đối thoại và độc thoại đều là các dạng thể hiện khác nhau của đối thoại ý thức trong bối cảnh đời sống.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 2:54 Chiều ngày 27/04/2017