Lời văn nghệ thuật

Lời văn nghệ thuật là dạng phát ngôn được tổ chức một cách nghệ thuật, tạo thành cơ sở ngôn từ của văn bản nghệ thuật, là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học. Lời thơ, lời trần thuật, lời nhân vật, lời thoại trong kịch và các dạng của chúng đều là các bộ phận tạo thành lời văn nghệ thuật. Khác với lời nói hằng ngày, lời văn nghệ thuật có tính chất cố định, tính độc lập hoàn chỉnh trong bản thân nó, có tính vĩnh viễn. Tính hình tượng của lời văn nghệ thuật có được do bản chất của hình tượng của tác phẩm : mọi hiện tượng, cảnh vật, con người trong văn học đều muốn nói lên bằng lời văn nghệ thuật. Do đó về nguyên tắc, lời văn nghệ thuật phục tùng cấu trúc hình tượng của tác phẩm, phục tùng đặc điểm của ý thức nghệ thuật, tư duy nghệ thuật và có tính tổ chức rất cao.

Thành phần cơ bản của lời văn nghệ thuật là lời gián tiếp (của người kể chuyện, người trần thuật), là lời trực tiếp (của nhân vật), được tổ chức theo cách thức hoạt động giao tiếp (lời đối thoại, lời độc thoại ) và theo loại hình nghệ thuật (tự sự, trữ tình, kịch), cách tư duy nghệ thuật (lãng mạn, hiện thực, tượng trưng,…), loại hình văn hóa nghệ thuật (dân gian, thành văn,…), ý thức nghệ thuật (một giọng, hai giọng, nhiều giọng, mức độ đa nghĩa,…), phong cách nhà văn,…

Vói quan niệm “nguyên tử luận” về lời văn nghệ thuật xem văn là tổng hợp của các từ rời, thi người ta thiên về cảm thụ lời văn qua câu hay từ đắt. Với quan niệm hệ thống, người ta lại cảm thấy lời văn qua các nguyên tắc nghệ thuật – thẩm mỹ của nó, thể hiện một quan niệm nghệ thuật nhất định. Chẳng hạn lời văn đa thanh của Đốt-xtôi-ép-xki, lời văn Nguyễn Du cổ điển, cân đối, trang nhã mà vẫn thể hiện được trăm nghìn tâm trạng, cảnh huống, lời văn mỉa mai trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan,…

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 3:00 Chiều ngày 27/04/2017