Lục bát

Lục bát là một thể câu thơ cách luật mà các thể thức được tập trung thể hiện trong một khổ gồm hai dòng với số tiếng cố định : dòng sáu tiếng (câu lục) và dòng tám tiếng (câu bát).

Các thể thức chủ yếu của lục bát:

– Gieo vần : vừa gieo vần chân vừa gieo vần lưng. Tiếng cuối câu lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu câu bát, tiếng cuối câu bát gieo vần xuống tiếng cuối câu lục tiếp theo.

– Phối điệu (luật bằng trắc) : hình mẫu của các tác phẩm lục bát cổ điển được phối điệu như sau :

oBoToB

oBoToBoB

Trong đó : B – bằng ; T – trắc ; o – tự do (bằng hoặc trắc), tiếng thứ sáu và tiếng thứ tám của câu bát cùng là thanh bằng nhưng cần có sự kết hợp chuyển đổi giữa bổng (thanh ngang) và trầm (thanh huyền).

– Ngắt nhịp : thông thường là nhịp chẵn, mỗi nhịp hai tiếng. Tuy vậy, có thể gặp lối ngắt nhịp lẻ, mỗi nhịp ba tiếng.

Ngoài ra, còn có thể gặp một số ngoại lệ :

– Thanh bằng ở tiếng thứ hai đổi thành thanh trắc. Thanh trắc ở tiếng thứ tư đổi thành thanh bằng (ít gặp hơn).

– Câu thơ không còn kích thước thông thường, mà có thế thêm hoặc bớt một số tiếng (thường là thêm):

Một trăm chiếc nốc chèo xuôi

Không có chiếc mô chèo ngược để ta gửi lời viếng thăm.

Tiếng cuối câu lục gieo vần xuống tiếng thứ tư (có khi là tiếng thứ hai) câu bát. Tiếng thứ tư này vốn mang thanh trắc, phải chuyển thành thanh bằng (trầm).

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.

Thơ lục bát cho phép mọi sự tìm tòi sáng tạo về âm luật trong các bài thơ cụ thể.

Ngày nay, trong thơ ca Việt Nam hiện đại, thơ lục bát vẫn chiếm một địa vị quan trọng, được nhiều nhà thơ sử dụng và quần chúng yêu thích.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 3:09 Chiều ngày 27/04/2017