Lý thuyết loại hình – lịch sử (tiếng Nga : istoriko-typologicheskaya teorya) là lý thuyết được đề xuất vào những năm 30 của thế kỷ XX bởi các nhà nghiên cứu Liên Xô (V. Gir-mun-xki, V. Prốp, E.M. Mê-lê-tin-xki,…), chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian, căn cứ vào việc thừa nhận tính chất phổ quát, vai trò quyết định (trong lịch sử sáng tác dân gian các dân tộc trên thế giới) của nhũng sự lặp lại có tính quy luật, có nguồn gốc trong tính thống nhất của sự phát triển xã hội, lịch sử và văn hóa nhân loại, trong các loại hình sinh hoạt, các loại hình thiết chế xã hội và quan niệm xã hội, trong các quy luật chung và đặc thù của sáng tác dân gian.
Các giai đoạn cần thiết trong nghiên cứu loại hình – lịch sử là: phát hiện và phân tích, so sánh tính cộng đồng (những cái chung, giống nhau) về loại hình và những liên hệ về loại hình ở các thể loại, các cốt truyện, các hình tượng, các phạm trù thời gian và không gian, ở tính chất và quan niệm về lịch sử, ở các quá trình lịch sử của sáng tác dân gian các dân tộc khác nhau. Những dữ kiện mang tính cộng đồng và có sự liên hệ nhu vậy sẽ được coi như những yếu tố và cấp độ của sự phát triển lịch sử – giai đoạn của sáng tác dân gian, chúng cho phép khôi phục lại những khâu còn thiếu của một quá trình, cho phép hình dung các trạng thái quá khứ của các cốt truyện, các hệ thống, các thể loại,… mà người ta không thể khôi phục lại được trong khuôn khổ của truyền thống dân tộc. Cách tiếp cận này mang lại hiệu quả là các dữ liệu của sáng tác dân gian các dân tộc khác nhau đều tương ứng với nhau ở bình diện sự thừa kế có tính chất loại hình, tức là việc các dân tộc khác nhau xử lí, chế biến những chủ đề cốt truyện chung, những hình tượng “về thế giới”, những hệ thống thể loại,… làm thành một chuỗi liên tục có quy luật, do sự thống nhất về loại hình, về quá trình lịch sử. Lý thuyết loại hình – lịch sử xem nhiêm vụ chính của việc nghiên cứu sáng tác dân gian là giải quyết vấn đề phát sinh và phát triển lịch sử của các thể loại, các hình tượng, nêu lên quan hệ phức tạp của sáng tác dân gian với hiện thực. Hệ phương pháp của lý thuyết loại hình lịch sử, dựa trên sự kết hợp các nguyên tắc của loại hình học lịch sử và đặc trưng dân tộc của các hiện tượng được nghiên cứu. Cái quan trọng đối với nó không phải là tích lũy thật nhiều những đối chiếu và hệ thống hóa, mà là sự phân tích so sánh nhằm nêu lên các dữ kiện loại hình – lịch sử. Cái quyết định ở đây không phải là xác định niên đại (thời gian tồn tại tuyệt đối, thời gian được ghi lại), mà là nhân tố thời đoạn lịch sử.