Lý thuyết trò chơi

Lý thuyết trò chơi là bộ môn khoa học phức hợp đề xuất quan niệm đại cương và những phương pháp cụ thể của các hình thức hoạt động trò chơi khác nhau. Bô môn này kết hợp các hướng tiếp cận triết học, điều khiển học, mỹ học, tâm lý học, giáo dục học và nhiều tiếp cận kĩ thuật cụ thể khác. Lý thuyết trò chơi được đặc biệt chú ý trong mỹ học của I. Căng-tơ và Si-lơ. Nói chung, mỹ học quan tâm đến lý thuyết trò chơi từ hai quan điểm. Thứ nhất, cấu trúc trò chơi đặc trưng cho bất kỳ hoạt động nào nếu nó có giá trị thẩm mỹ : việc biến một công việc thành “trò chơi các sức lực thể chất và trí tuệ của con người” (Mác) làm nảy sinh cảm giác thỏa mãn vô tư về chính quá trình làm công việc đó, tức là làm nảy sinh thái độ thẩm mỹ đối với công việc đó ; việc nhìn ngắm hình thức của đồ vật không phải với một mối quan tâm có tính chất thực dụng hoặc tính chất nghiên cứu, sẽ trở thành trò chơi của sức lực tâm lý. Thứ hai, sáng tác nghệ thuật vốn hòa hợp hữu cơ hoạt động có chủ đích và hoạt động trò chơi. Sáng tạo của diễn viên và của nhạc sĩ mang tính chất trò chơi rõ rệt ; cấu trúc tiết tấu của câu thơ, vần thơ,… là những hình thức xử lý có tính trò chơi đối với ngôn từ,…

Nói chung, ta có quyền ngang nhau để xem nghệ thuật vừa như là một mô hình nhận thức của cuộc sống thực, vừa như là “trò chơi cuộc sống” bởi vì nghệ thuật gắn bó một cách biện chứng hai điều vừa nêu, cho phép sự liên hệ của hai thứ đó có những tỷ lệ khác nhau (ví dụ : ở các cấu trúc văn bản văn xuôi và văn vần, ở kịch đram và kịch hề, ở sân khấu và xiếc, ở sáng tác của những nghệ sĩ khác nhau và ngay cả ở những tác phẩm khác nhau của cùng một nghệ sĩ,…). Thái độ duy mỹ chính là được biểu hiện ở xu hướng làm trò chơi trở thành nét chủ đạo trong ứng xử của mình, tức là biến cuộc sống thành cuộc chơi, biến sáng tác nghệ thuật thành “trò chơi của các hình thức” không có nội dung và mục đích nhận thức, đạo đức, chính trị, thực dụng. Đối cực với thái độ duy mỹ là xu hướng ngoại trừ nguyên tắc trò chơi khỏi nghệ thuật, xem nghệ thuật hệt như khoa học hoặc hệ tư tưởng, hệt như tôn giáo hoặc đạo đức, tước bỏ ước lệ mỹ học thiết yếu của nó, tước bỏ tính chất ảo giác của những “cuộc sống” của con người trong thực tại nghệ thuật, trong thế giới hình tượng.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 2:20 Chiều ngày 27/04/2017