Lý tưởng hóa

Lý tưởng hóa (tiếng Nga : idealizaciya ; tiếng Pháp : idéalisation) là một trong những phương pháp khái quát hóa của nghệ thuật, nhấn mạnh tối đa các giá trị tích cực hoặc các mặt tiêu cực của thực tại. Trong thực tiễn sáng tác, đôi khi lý tưởng hóa được đan bện với điển hình hóa, nhưng thường thường thiên về việc đề cao các đối tượng tích cực, trình bày nó trong sự phấn hứng, đề cao nó lên thành mẫu chuẩn, thành lý tưởng, gán cho nó một diện mạo hoàn thiện.

Trong nghệ thuật có cả lối lý tưởng hóa về phía tốt cũng như về phía xấu. Ví dụ : sự thô bỉ, tầm thường có thể được lý tưởng hóa về phía kinh dị hoặc phía đáng tức cười. Nhìn chung, lý tưởng hóa thường hướng về chuẩn mực, mẫu mực chứ không hướng về phía nhận thức phân tích đời sống như điển hình hóa. Nếu ở nghệ thuật điển hình hóa, lý tưởng là những quan hệ mà tác giả đặt ra để xem xét các nhân vật, thì ở nghệ thuật lý tưởng hóa, các hình tượng – tính cách trở thành mẫu mực, thể hiện trực tiếp các suy tư và tình cảm của nghệ sĩ. Nói rộng ra, một mặt lý tưởng hóa là đặc trưng cho các hình thức văn hóa “nghi thức’’, gắn với tập tục, lễ thức, ở đó quá trình sáng tạo bị quy định bởi các quy phạm : mặt khác, do chỗ lý tưởng hóa là kết quả của ý đồ muốn làm cho các hình thức và giá trị đáng mong muốn trở nên tích cực năng động trong ý thức xã hội, lúc đó nghệ thuật ít hướng vào những cái vốn đang có trong thực tại mà hướng nhiều hơn vào những cái cần phải có trong thực tại. Lý tưởng hóa là nét đặc trưng cho nghệ thuật của bất cứ nền văn hóa nào, nhất là ở các giai đoạn phát triển ban đầu của nó. Sáng tác dân gian, các hiện tượng nghệ thuật của nhiều nước phương Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, nghệ thuật cổ đại, cổ điển, nghệ thuật Tây Âu và Xla-vơ trung đại, chủ nghĩa cổ điển, các khuynh hướng lãng mạn đều thiên về lý tưởng hóa. Các loại hình kiến trúc, nghệ thuật trang trí, balê cổ điển, thơ trữ tình, điêu khắc tưởng niệm hoành tráng cũng thường thiên về lý tưởng hóa (mặc dù có loại hình như điêu khắc tưởng niệm hoành tráng không loại trừ điển hình hóa, nhất là ở thời hiện đại).

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 2:22 Chiều ngày 27/04/2017