Mẫu gốc

Mẫu gốc (tiếng Anh : archetyp) còn được dịch là siêu mẫu là hình tượng hoặc ý niệm đầu tiên, nguyên khởi. Khái niệm này vốn có trong triết học cổ đại (Pla-tông) và trung đại (kinh viện học, Ô-guýt-xtanh), đến thế kỷ XX chỉ được sử dụng trong trường phái ; “tâm lý học phân tích” của C.G. Giung. Theo Giung, những mẫu gốc này là những môtíp và liên kết môtíp có đặc tính bản chất phổ quát, là những sơ đồ tâm lí bền vững, được tái hiện lại một cách vô thức và tìm thấy nội dung trong các nghi lễ, thần thoại tượng trưng, tín ngưỡng cổ xưa, trong những hành vi tâm lý (ví dụ : giấc mơ), và cả trong sáng tác nghệ thuật ngay đến thời nay. Ý nghĩa phổ quát của mẫu gốc trong lịch sử văn hóa được thể hiện qua các môtíp : tội loạn luân, tuổi ấu thơ, tình mẫu tử, tuổi già hiền minh,… – là ở chổ chúng tồn tại trong chiều sâu của “vô thức tập thể” (một khái niệm khác của phân tâm học – X.th. : Chủ nghĩa Phrớt và văn học nghệ thuật). Sức tác động của nghệ thuật, theo Giung, là ở chỗ nó “thời sự hóa” cái chiều sâu vô thức ấy, tạo ra sự giao tiếp với các mẫu gốc vĩnh cửu và mang tính toàn nhân loại.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 7:53 Chiều ngày 30/04/2017