Mỹ học

Mỹ học (tiếng Đức : aesthetica), lịch sử mỹ học đã có nguồn gốc từ xa xưa. Đối tượng của mỹ học thay đổi và biến động trong lịch sử, được phát triển và phức tạp hóa trong thực tiễn lịch sử xã hôi. Ở giai đoạn hiện nay có sự thâm nhập của yếu tố nghệ thuật vào nhiều lĩnh vực đời sống và ý thúc, do sự mở rộng đáng kể của chính lĩnh vực chiếm lĩnh hiện thực bằng thẩm mỹ, cho nên, cùng với các vấn đề truyền thống của việc bộc lộ cái thẩm mỹ trong tự nhiên và trong nghệ thuật, một loại đối tượng quan trọng được mỹ học quan tâm là sự phát triển mạnh mẽ của các dạng hoạt đông thẩm mỹ nằm ngoài ranh giới của sáng tác nghệ thuật, bao gồm các vấn đề về thẩm mỹ, kĩ thuật, các hoạt động nhằm tổ chức thẩm mỹ đối với môi trường, các vấn đề giáo dục thẩm mỹ, một số lĩnh vực khác cũng thể hiện cái thẩm mỹ như thể thao (mỹ học thể thao). Sự mở rộng như vậy của đối tượng mỹ học gắn với giai đoạn tách mỹ học ra thành một lĩnh vực tri thức độc lập, trước hết là độc lập với triết học và nghệ thuật học. Là một khoa học, mỹ học mang tính chất triết học, nhưng nó có đặc trưng riêng, đối tượng riêng với tính quy luật của nó : tính quy luật của việc chiếm lĩnh thực tại bằng thẩm mỹ. Chừng nào mà các quy luật của việc chiếm lĩnh thực tại bằng thẩm mỹ còn được biểu hiện trực tiếp, tập trung và đầy đủ nhất ở nghệ thuật thì chừng đó sẽ còn hợp lý để coi mỹ học trước hết là khoa học về bản chất và các quy luật của sáng tạo nghệ thuật. Mỹ học có ý nghĩa là cơ sở lí thuyết chung cho tất cả các khoa học về nghệ thuật (nghiên cứu văn học, lý luận nghệ thuật tạo hình, nghiên cứu sân khấu, nghiên cứu âm nhạc,…).

Cấu trúc khoa học mỹ học đã phức tạp hóa và bao gồm những bộ môn tương đối độc lập ; lý thuyết về sáng tạo nghệ thuật; lý thuyết về khai hóa môi trường vật chất ; lý thuyết giáo dục thẩm mỹ. Tuy vậy , đặc trưng của các đối tượng này vẫn bộc lộ tính quy luật chung, và mỹ học như là khoa học khái quát chung vẫn là siêu lý thuyết của các bộ môn độc lập ấy. Những vấn đề cơ bản mà mỹ học nghiên cứu gồm tình cảm thẩm mỹ, quan điểm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ, tóm lại là ý thức thẩm mỹ. Phần quan trọng nhất của mỹ học vốn có từ truyền thống xa xưa, là đề xuất bộ công cụ phạm trù, các phạm trù cơ bản của mỹ học như cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài, … là dạng thức khái quát nhất của quan hệ thẩm mỹ của con người với thực tại.

Chiếm vị trí đặc biệt trong mỹ học là việc đề xuất các vấn đề gắn với việc khám phá bản chất của nghệ thuật, tìm hiểu các phương diện nhận thức luận và giá trị học của nghệ thuật. Khái quát hóa các dữ kiện của kinh nghiệm nghệ thuật, dựa vào sự phân tích về xã hội – lịch sử và về tâm lý học, mỹ học cũng khám phá đời sống lịch sử của nghệ thuật trong văn hóa. Ở mỹ học hiện đại, những vấn đề như bản chất của các khuynh hướng và trào lưu nghệ thuật, các phương pháp sáng tác trong nghệ thuật cũng chiếm vị trí đáng kể.

Sự nảy sinh và phát triển của mỹ học mang dấu ấn của các quan hệ giai cấp và các xung đột hệ tư tưởng. Đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm trong mỹ học được chuyển hóa thành sự đối lập giữa các quan niệm duy vật và duy tâm về bản chất của cái thẩm mỹ và bản chất của nghệ thuật. Vấn đề căn bản của mỹ học là quan hệ của ý thúc thẩm mỹ với thực tại khách quan, chính tính chất của việc giải quyết quan hệ này quyết định sự phân cực của các khuynh hướng căn bản trong lịch sử tư tưởng mỹ học.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 7:53 Chiều ngày 30/04/2017