Mỹ học tiếp nhận (tiếng Đức : rezeptionsästhetik) là một trường phái lý luận văn học xuất hiện tại Đức vào khoảng những năm 20 – 40 thế kỷ XX với các đại biểu như H.I-dau-xơ, I-dơ-rơ, Phụ-rơ-man,… vốn là giáo sư tại Đại học Côn-xtăng-xơ, do đó còn gọi là “Truờng phái Côn-xtăng-xơ”. Trường phái mỹ học tiếp nhận đòi hỏi cách tân đối tượng và phương pháp văn học sử và nghiên cứu văn học, chống lại việc thuần túy xem tác phẩm văn học là đối tượng nghiên cứu, mà phải mở rộng phạm vi nghiên cứu sang lĩnh vực tiếp nhận, khám phá mối quan hệ qua lại và tác động lẫn nhau giữa sáng tác và tiếp nhận, nhà văn và người đọc, khảo sát điều kiện, phương thức, quá trình và kết quả của hoạt động tiếp nhận đối với văn học và nhấn mạnh vai trò năng động của tiếp nhận văn học trong đời sống và lịch sử văn học.
Cội nguồn của mỹ học tiếp nhận gồm bốn điểm
- Lý thuyết “lạ hóa” của V. Sơ-clốp-xki, Iu. Tư-nha-nốp, quan điểm tri giác nghệ thuật và tiến hóa nghệ thuật của họ;
- Lý thuyết về tác phẩm văn học của R. In-gác-đen với cấu trúc tầng lớp cùng hoạt động “cụ thể hóa” của người đọc;
- Lý thuyết về đối tượng thẩm mỹ, quy phạm thẩm mỹ và giá trị văn học của trường phái Pơ-ra-gơ, đặc biệt là của I. Mu-ca-rốp-xki và Ph. Vô-di-sca;
- Lý thuyết giải thích học của H.G. Ga-đa-mơ về hoạt động lý giải và tính chủ quan, tính lịch sử, tính sáng tạo của nó.
Từ cuối những năm 60 thế kỷ XX, mỹ học tiếp nhận được truyền bá khắp thế giới. Các nhà lý luận CHDC Đức như M. Nau-man, B. Mây-lắc-khơ dựa vào quan hệ sản xuất, tiêu dùng và lí luận phản ánh mác-xít, cải tạo, xây dựng lý luận tiếp nhận mác-xít. Các nhà lý luận Mỹ như N. Hô-lân-đơ, H. Blum, E.S. Phây-sơ lại phát triển theo hướng phê bình phản ứng của người đọc.