“Nghệ thuật vị nghệ thuật”

Nghệ thuật vị nghệ thuật” (tiếng Pháp : l’art pour l’art) còn gọi là nghệ thuật thuần túy.

Một nguyên lý mỹ học duy tâm, chủ trương nghệ thuật độc lập với đời sống xã hội và chính trị, khước từ sứ mệnh của nghệ sĩ trong đấu tranh xã hội, thường là cơ sở lý luận cho các trường phái và khuynh hướng văn học có thái độ bất hòa với hiện thực, tìm lối thoát trong hình thức chủ nghĩa.

Lý luận này bắt nguồn từ những luận điểm mỹ học của Căng-tơ (1724 – 1804), nhà triết học duy tâm cổ điển Đức, cho rằng cái đẹp của nghệ thuật là không vụ lợi và không có mục đích nào khác ngoài bàn thân nó. Đến thế kỷ XIX, nhiều nhà lý luận, nhà văn, nhà thơ ở Đức và Pháp đã phát triển tư tưởng này nhằm tách rời văn học nghệ thuật ra khỏi đời sống xã hội, phủ nhận ý nghĩa nhận thức và giáo dục tư tưởng, phủ nhận sự phụ thuộc của nghệ thuật vào những yêu cầu thực tiễn của thời dại. Và từ đó, trước sau sẽ dẫn đến chỗ khẳng định nghệ sĩ “tự do”, không có trách nhiệm với xã hội, tức là đến chủ nghĩa cực đoan. Đó là mầm mống của các trường phái văn học ở cuối thế kỷ XX như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa đa đa, chủ nghĩa vị lai….

Thực ra, sự phát triển thực tiễn nghệ thuật của những người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, sùng bái nghệ thuật “thuần túy” đều công khai hoặc kín đáo liên hệ với hiện thực và chính trị theo một cách nào đó.

Ngay từ giữa thế kỷ XIX, lý thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật đã bị các nhà văn và nhà lý luận tiến bộ, đặc biệt là các nhà dân chủ cách mạng Nga, phê phán gay gắt. Ở nước ta, nó cũng bị các nhà lý luận mác-xít phê bình kịch liệt trong cuộc tranh luận lớn “nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh” thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939).

Cần phải chú ý thêm rằng, trong một số trường hợp cá biệt ở các thời đại trước, chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật cũng được một số nhà văn tiến bộ sử dụng nhằm lấy cớ khước từ sự cộng tác với chính quyền thống trị phản động.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 9:56 Chiều ngày 01/05/2017