Nghệ thuật vị nhân sinh

Nghệ thuật vị nhân sinh (tiếng Pháp : l’art pour la vie) là lý thuyết khẳng định bản chất xã hội của nghệ thuật, chủ trương nghệ thuật gắn với đời sống xã hội và chính trị, chống lại các khuynh hướng nghệ thuật thoát ly cuộc sống, “nghệ thuật thuần tuý” coi hình thức là trên hết.

Nghệ thuật vị nhân sinh là một luận điểm cơ bản và rất tổng quát của mỹ học duy vật. Bản thân nó bao gồm một hệ thống nhiều vấn đề rất trọng yếu như nghệ thuật và xã hội, chức năng của nghệ thuật, nghệ thuật và chính trị, tính giai cấp, tính nhân dân của nghệ thuật, sứ mệnh người nghệ sĩ,… mà việc giải quyết những vấn đề này lại gắn liền với những thành tựu của triết học và mỹ học duy vật của các thời đại. Do vậy, các cách lý giải trước khi có Chủ nghĩa Mác, kể cả của các nhà dân chủ cách mạng Nga ở thế kỷ XIX, đều chưa được triệt để và còn có những hạn chế nhất định. Dựa trên cơ sở triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử coi nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc thù, là loại sản xuất tinh thần đặc thù, chịu sự quy định của cơ sở kinh tế – xã hội, của đời sống tinh thần, tâm lý của xã hội, mỹ học ,mác-xít đã và đang giải quyết một cách khoa học, triệt để và toàn diện các vấn đề trên.

Nghệ thuật vị nhân sinh là khẩu hiệu đấu tranh của những người theo quan điểm văn nghệ mác-xít ở nước ta chống lại phái “nghệ thuật vị nghệ thuật’’ trong cuộc tranh luận lớn về nghệ thuật thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939). Trong cuộc tranh luận này, phái “vị nhân sinh” đã chứng minh rằng không có văn nghệ đứng ngoài đấu tranh giai cấp và không theo khuynh hướng nào. Nếu văn nghệ không làm lợi cho giai cấp này thì sẽ làm lợi cho giai cấp khác. Họ chủ trương, trong xã hội có áp bức bốc lột, nhà văn chân chính phải “đem ngòi bút lột trán cái xã hội hiện tại để cho dân chúng trông rõ nguồn gốc của mọi sự đau thương và để tìm lấy đường sống“. Mặc dù còn có thiếu sót, phái “nghệ thuật vị nhân sinh” đã giành được thắng lợi lớn. Lần đầu tiên ở Việt Nam, quan điểm văn nghệ mác-xít được truyền bá tương đối hệ thống, bước đầu đẩy lùi ảnh hưởng của khuynh hướng văn học thoát ly, cổ vũ các khuynh hướng văn học tiến bộ.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 7:55 Chiều ngày 12/05/2017