Nghịch dị (tiếng Pháp : grotesque) là một kiểu tổ chức hình tượng nghệ thuật (hình tuợng, phong cách, thể loại) dựa vào huyễn tưởng, tiếng cười, sự phóng đại, lối kết hợp và tương phản một cách kỳ quặc cái huyễn hoặc với cái thực, cái đẹp với cái xấu, cái bi với cái hài, cái giống như thực với cái biếm họa.
Nghệ thuật nghịch dị là một kiểu ước lệ đặc thù : nó công nhiên và chú ý trình bày một thế giới dị thường, trái tự nhiên, chẳng hạn : Lỗ mũi mười tám gánh lông – Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho (Ca dao). Hoặc trong truyện Cái mũi của Gô-gôn, cái mũi trên mặt viên tướng Kô-va-lép bỏng dưng biến mất một cách không sao giải thích được rồi sau lại trả về chỗ cũ và cái việc bất thường ấy dần dà trở thành bình thường đến nỗi có viên quan nọ ngả mũ chào cái mũi của ông ta đang đi dạo trên bờ sông Nê-va,… Những thế giới người tí hon và người khổng lồ mà chàng Gu-li-vơ gặp phải cũng là một thế giới nghệ thuật nghịch dị.
Nghịch dị khác với kỳ ảo (fantastique) và châm biếm (satire), mặc dù có sự gần gũi và có sử dụng các yếu tố này.
Kiểu hình tượng nghịch dị vốn có trong thần thoại và trong nghệ thuật cổ sơ của mọi dân tộc, nhưng chỉ trong sáng tác của một số nhà văn cổ đại ở văn học châu Âu và trong văn học dân gian nó mới trở thành thủ pháp.
Đỉnh cao nghệ thuật của “chủ nghĩa hiện thực nghịch dị” (chữ dùng của M. Ba-khơ-tin, 1895 – 1975) là Gác-găng-chuya và Păng-ta-gruy-en của Ph. Ra-bơ-le (1494 – 1553). Những nguyên tắc quyết định cấu trúc hình tượng nghịch dị ở văn học Phục hưng là : sự miêu tả toàn vẹn không tách rời cả hai cực của sự phát triển như cái mới lẫu cái cũ, cái đang chết đi lẫn cái đang sinh ra, tính lưỡng trị vừa khẳng định vừa phủ định. Chất nghịch dị kiểu này in dấu trong Ca tụng sự ngu si của E-ra-xmux Rốt-te-ro-đa-mux (1469 – 1536, nhà văn Hà Lan), trong thể loại hài kịch mặt nạ, trong các hình tượng anh hề Phan-xtáp và Ca-li-ban của Sếch-xpia. Thời trung đại châu Âu, tiếng cười nghịch dị trở nên đơn điệu, nghiêng về sự sợ hãi, tố cáo một cách tiêu cực.
Văn học Khai sáng tạo ra kiểu nghịch dị châm biếm cay độc, lật tẩy cái thế giới của sự dốt nát và áp bức (Gi. Xuýp-tơ, Vôn-te). Các nhà văn lãng mạn dùng cái nghịch dị để nhấn mạnh tình trạng chưa giải quyết của những đối kháng, những tương phản, nhất là về thẩm mỹ và đạo đức (V. Huy-gô).
Ở văn học thế kỷ XIX, trong thi pháp hiện thực, chất nghịch dị định hướng xã hội – lịch sử và có tính cụ thể. Việc tăng tính tố cáo và phủ định cũng tạo ta chất nghịch dị châm biếm cay độc, ví dụ: Lịch sử một thành phố của M. Xan-tư-kốp – Sê-đơ-rin.
Ở thế kỷ XX, chất nghịch dị trở thành hình thức tiêu biểu của nghệ thuật, kể cả một loại khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa (chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa siêu thực, …). Ở kiểu hình tượng nghịch dị hiện đại chủ nghĩa, thế giới quen thuộc với ta bỗng chốc biến thành thế giới thù địch, xa lạ, ở đó ngự trị một cái “vô nghĩa” giống như một sức mạnh siêu nhân không thể hiểu được, một “tất yếu vô điều kiện” biến con người thành con rối, chất nghịch dị ở đây trở thành “nỗi sợ sống”, trở thành ý thức về sự phi lý sinh tồn (E. I-ô-nét-xcô, X. Béc-két, R. Bác-tơ). Các môtíp nghịch dị trong sáng tác của một loạt nghệ sĩ lớn của thế kỷ XX như Biến dạng và Vụ án của Ph. Cáp-ca, kịch của L. Pi-ra-đen-lô) không loại trừ hoàn toàn yếu tố hiện thực, Ở kiểu hình tượng nghịch dị hiện thực chủ nghĩa như trong sáng tác của H. Oen-xơ, X. Sa-pếch, B. Brếch, G. He-lơ, tuy vẫn nghiêng về tính tố cáo sâu cay nhưng có sự luận bàn triết học về các xung đột xã hội và tinh thần của thế kỷ XX.