Nghiên cứu ảnh hưởng (tiếng Anh : inffluence study) là một phương pháp nghiên cứu hình thành vào thời kỳ đầu của văn học so sánh. Nó chú trọng tư liệu, khảo cứu, dựa trên cơ sở của triết học thực chứng nhằm chỉ ra các sự thật về mối liên hệ tiếp xúc, thẩm thấu, ảnh hưởng của tác phẩm thuộc các nhà văn của các nước khác nhau, để đi đến xây dựng một lịch sử về các mối quan hệ văn học quốc tế.
Nghiên cứu ảnh hưởng có các phạm trù: nghiên cứu cội nguồn, nghiên cứu môi giới, nghiên cứu lưu truyền, không chỉ đề cập tới ảnh hưởng, mà bao quát cả quá trình ảnh hưởng – tiếp nhận với các khâu như sau:
- Nghiên cứu cội nguồn: nguyên lai, nguyên mẫu, môtíp
- Nghiên cứu môi giới: phiên dịch, giới thiệu, giao du cá nhân, hội nghị quốc tế.
- Nghiên cứu lưu truyền: vay mượn, bắt chước, cải biên, gặp gỡ, ảo ảnh.
Các đối tượng nghiên cứu cụ thể bao gồm: đề tài, chủ đề, thể loại, hình tượng, phong cách, kỹ thuật.
Các tác giả văn học so sánh Pháp xem đây là phương pháp chính thống của văn học so sánh, nhưng thực tế nó vẫn chỉ là một trọng ba phương pháp cơ bản của văn học so sánh mà thôi.