Nghiên cứu chức năng – lịch sử (tiếng Nga : istoriko-funkcio-nal’noe izuchenie) là một ngành của nghiên cứu văn học, trong đó người ta khảo sát hoạt động (chức năng) của văn học qua các thời đại lịch sử, tìm hiểu xem các tác phẩm văn học “sống” như thế nào trong ý thức công chúng. Tìm hiểu sự năng động lịch sử của các “cách đọc” tác phẩm và của những cách đánh giá nhà văn.
Cứ liệu cho nghiên cứu chức năng – lịch sử là toàn bộ những cách lý giải tác phẩm ở các nhà phê bình, các học giả và độc giả bình thường, và toàn bộ những cách phiên giải tác phẩm (dựng thành kịch, phim, vẽ theo đề tài tác phẩm) ở các diễn viên, đạo diễn, họa sĩ và các nhà hoạt động nghệ thuật.
Trong nghiên cứu chức năng – lịch sử người ta tìm hiểu sự tiếp nhận tác phẩm trong văn cảnh văn hóa – xã hôi biến động của nó. Người nghiên cứu lĩnh vực này phải có năng lực hiểu biết những phản xạ khác nhau đối với văn bản văn học từ phía con người mang những quan niệm, thị hiếu và truyền thống khác nhau.
Đây là bộ môn tiếp giáp với xã hội học và tâm lý học tiếp nhận nghệ thuật. Nguyên tắc xuất phát của nó là nó xem văn học không chỉ như một tổng số các văn bản ngôn từ, mà còn xem văn học như một quá trình giao tiếp (giao tiếp nghệ thuật, một lĩnh vực của giao tiếp xã hội), trong đó vai trò sáng tạo tích cực (đồng sáng tạo) là thuộc về công chúng tiếp nhận.
Nghiên cứu chức năng – lịch sử khảo sát văn học trong “thời gian lớn” (thuật ngữ của M. Ba-khơ-tin), triệt để bác bỏ cách xem xét chỉ gắn sáng tác văn học với thời đại mà nó ra đời.
Bộ môn này ưu tiên chú ý trước hết đến hiện tượng “sống lâu qua các thời đại” (trường tồn) của những tác phẩm đã thành cổ điển, đồng thời cũng tìm hiểu quy luật của việc đông đảo công chúng húng thú với những tác phẩm không có chất lượng cao.