Nghiên cứu so sánh – lịch sử

Nghiên cứu so sánh – lịch sử (tiếng Nga : istoriko-srapnitel’noe izuchenie) là một ngành của nghiên cứu văn học, của lịch sử văn học chuyên khảo sát những liên hệ và quan hệ có tính quốc tế (liên dân tộc) của văn học, những tương đồng và khác biệt giữa các hiện tượng văn học ở các nước khác nhau. Tính tương đồng có thể do những tương đồng trong sự phát triển xã hội và văn học của các dân tộc, nhưng cũng có thể do sự tiếp xúc về văn hoá, văn học giữa các dân tộc. Do vậy, người ta phân biệt “những tương đồng loại hình của quá trình văn học” và “những liên hệ và ảnh hưởng của văn học”.

Hai phương diện nghiên cứu này tuy có tương tác nhưng không được lẫn lộn.

Tiền đề của nghiên cứu so sánh – lịch sử là tính thống nhất của nhân loại trong sự phát triển về mặt xã hội – lịch sử. Do có sự giống nhau về các quan hệ xã hội ở các dân tộc khác nhau nên trong sự phát triển của các nền văn học khác nhau ở cùng một thời đại lịch sử có thể quan sát thấy những tương đồng loại hình – lịch sử. Đối tượng của nghiên cứu so sánh – lịch sử có thể là những tác phẩm, thể loại, phong cách và khuynh hướng nhất định hoặc sáng tác của những nhà văn nhất định. Chẳng hạn ở thời trung dại, thể loại sử thi anh hùng – dân tộc là nét giống nhau ở các nước phương Đông và phương Tây: từ thời cận đại, các khuynh hướng như Phục hưng, chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tượng trưng,… đều mang tính quốc tế rộng rãi.

Con đường phái triển của văn học giống nhau ở các dân tộc khác nhau thường đan chéo với những tiếp xúc và ảnh hưởng quốc tế. Tuy vậy chi có thể có sự ảnh hưởng nếu có nhu cầu nội tại cho một sự “nhập cảng” về văn hóa, tức là có những xu thế phát triển tuơng tự ở xã hội ấy, văn học ấy. Mọi ảnh hưởng của vă học đều gắn với việc làm biến đổi ít nhiều những hình mẫu vay mượn, tức lạ gắn với việc sáng tạo lại cho phù hợp với trình độ, truyền thống dân tộc, với đặc sắc tư tưởng – nghệ thuật của cá tính sáng tạo ở nhà văn, những khác biệt như vây cũng rất quan trọng đối với nghiên cứu so sánh – lịch sử.

Ảnh hưởng văn học không chỉ diễn ra trong từng thời đại. Di sản của các nghệ sĩ lớn trong quá khứ vẫn tiếp tục tác động đến hiện tại. Do vậy, còn có vấn đề “số phận” một nhà văn “sống” qua các thời đại lịch sử khác nhau ở các dân tộc khác nhau (Ví dụ : U. Sếch-xpia, V. Gớt, L. Tôn-xtôi, Ph. Đốt-xtôi-ép-xki,…).

Mối liên hệ và quan hệ quốc tế giữa các nền văn học và các nhà văn các nước khác nhau là một phạm trù lịch sử, ở những điều kiện lịch sử khác nhau chúng cũng có hình thức và mức độ khác nhau. Từ thế kỷ XIX, chúng đã trở nên năng động và ở thế kỷ XX đã trở thành một yếu tố thường xuyên trong đời sống văn học ở hầu hết các nước trên thế giới.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 8:24 Chiều ngày 17/05/2017