Ngôn ngữ người trần thuật

Ngôn ngữ người trần thuật là phần lời văn độc thoại thể hiện quan điểm tác giả hay quan điểm người kể chuyện (sản phẩm sáng tạo của tác giả) đối với cuộc sống được miêu tả, có những nguyên tắc thống nhất trong việc lựa chọn và sử dụng các phương tiện tạo hình và biểu hiện ngôn ngữ. Chẳng hạn, trong Truyện Kiều, bên cạnh việc sử dụng các từ ngữ tả thực sắc sảo, vẽ ra thần sắc của từng nhân vật, tình huống, Nguyễn Du còn thiên về sử dụng các từ ngữ tao nhã, quý phái theo nguyên tắc hoán dụ để miêu tả như làn thu thuỷ, nét xuân sơn, hoa cười ngọc thốt, trong ngọc trắng ngà, mai cốt cách, tuyết tinh thần, đồng thời xây dựng lời trần thuật cô đúc dưới hình thức tiểu đối, đối xứng, trùng điệp, hài hòa, có khả năng gây ấn tượng cảm xúc mạnh: “Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”; “Hoa trôi dạt thắm liễu xơ xác vàng”,… Những đặc điểm này cho thấy tác giả không chỉ tái hiện chân thật cuộc sống, mà còn muốn miêu tả một cách thẩm mỹ, trang trọng, cổ điển. Ngôn ngữ người trần thuật trong truyện ngắn và tiểu thuyết Nam Cao lại được xây dựng theo nguyên tắc khác. Sự trùng điệp (lặp lại) chồng chất các hiện tượng của đối tượng trong từng câu văn đã thể hiện cảm giác ghê tởm, khủng khiếp trước tình trạng cuộc sống quá mức tồi tệ, quá mức chịu đựng của con người. Chẳng hạn, chân dung của Oanh, Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận, đoạn tả cảm xúc của Thứ trước khi rời Hà Nội về quê,… Văn trần thuật Nam Cao có nhiều những từ ngữ và phương thức cú pháp chỉ sự quá mức như: đã thếmà lại…, lại cònlại còn…, rất, suốt đời, suốt ngày, càng ngày càng, toàn những, biết bao,… đã thể hiên quan điểm, cảm xúc của ông.

Ngôn ngữ người trần thuật chẳng những có vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả.

Ngôn ngữ người trần thuật có thể có một giọng (chỉ nhằm gọi ra sự vật) hoặc có hai giọng (như lời nhại, mỉa mai, lời nửa trực tiếp,…) thể hiện sự đối thoại với ý thức khác về cùng một đối tượng miêu tả.

Ngôn ngữ người trần thuật dưới hình thức lời người kể chuyện ngoài đặc điểm như trên còn mang thêm các sắc thái, quan điểm bổ sung do lập trường, đặc điểm tâm lý, cá tính của nhân vật – người kể chuyện mang lại. Chẳng hạn ngôn ngữ của nhân vật “tôi” trong Nhật ký người điên của Lỗ Tấn.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 8:33 Chiều ngày 17/05/2017