Ngôn ngữ nhân vật

Ngôn ngữ nhân vật là lời nói của nhân vật trong các tác phẩm thuộc các loại hình tự sựkịch.

Ngôn ngữ nhân vật là một trong các phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật. Trong tác phẩm, nhà văn có thể cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật bằng nhiều cách: nhấn mạnh cách đặt câu, ghép từ, lời phát âm đặc biệt của nhân vật, cho nhân vật lặp lại những từ, câu mà nhân vật thích nói kể cả từ ngoại quốc và từ địa phương,… Trong các tác phẩm tự sự, nhà văn còn thường trực tiếp miêu tả phong cách ngôn ngữ của nhân vật.

Dù tồn tại dưới dạng nào hoặc được thể hiện bằng cách nào, ngôn ngữ nhân vật bao giờ cũng phải đảm bảo sự kết hợp sinh động giữa cá thể và tính khái quát, nghĩa là một mặt, mỗi nhân vật có một ngôn ngữ mang đặc điểm riêng, có “lời ăn tiếng nói” riêng, mặt khác, ngôn ngữ ấy lại phản ánh được đặc điểm ngôn ngữ của một tầng lớp người nhất định gần gũi về nghề nghiệp, tâm lý, giai cấp, trình độ văn hóa,…

Ngôn ngữ nhân vật là một phạm trù lịch sử. Trong văn học trung đại, do ý niệm cá nhân chưa phát triển, nó chưa có được sự cá thể hóa sâu sắc, và chưa phân biệt với ngôn ngữ tác giả. Với chủ nghĩa hiện thực, ngôn ngữ nhân vật được coi là một đối tượng miêu tả, cá tính hóa trở thành một yêu cầu thẩm mỹ.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 8:34 Chiều ngày 17/05/2017