Ngụ ngôn

Ngụ ngôn (tiếng Anh : fable) là lời nói, mẩu chuyện có ngụ ý (ngụ là “gửi”) xa xôi bóng gió được sử dụng rộng rãi trong nhiều thể loại văn học dân gian, và văn học thành văn (như thơ ngụ ngôn, truyện ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ).

Mục lục

[Ẩn]

Tục ngữ ngụ ngôn như : Chó chê mèo lắm lông, Cha lươn không đào lỗ cho lươn nằm, Cáo chết ba năm quay đầu về núi.

Ca dao ngụ ngôn như:

– Ếch kêu dưới vũng tre ngâm

Ếch kêu mặc ếch, tre dầm mặc tre.

– Thương thay thân phận con rùa

Trên đình hạc cỡi[1] dưới chùa đội bia.

Truyện ngụ ngôn thường dùng các loài vật, đồ vật để gián tiếp nói chuyện loài người, nêu lên những bài học luân lý hoặc triết lý dưới một hình thức kín đáo (ví dụ : Thầy bói xem voi, Cáo mượn oai hùm, Mèo lại hoàn mèo,…).

Nhân vật trong truyện ngụ ngôn đa số là động vật, nhưng cũng có thể là cây cỏ, trăng sao và cũng có khi là người hoặc các bộ phận của người. Nhưng dù là loại gì thì nhân vật của truyện ngụ ngôn cũng chỉ là phương tiện giúp cho tác giả gián tiếp nêu lên những điều muốn gửi gắm mà thôi.

Ở Việt Nam, loại truyện ngụ ngôn được kể bằng văn vần phát triển khá mạnh. Ví dụ: những bài ca dao tự sự (như Con mèo mà trèo cây cau, Con cò mà đi ăn đêm,.) hoặc những truyện thơ dài (như Trê Cóc, Trinh thử, Hoa điểu tranh năng, Lục súc tranh công,…),

Cần phân biệt truyện ngụ ngôn với truyện cổ tích loài vật. Hai loại truyện này có thể cũng chung nguồn gốc, nhưng chức năng và đặc điểm thể loại thì hoàn toàn khác nhau. Truyện cổ tích loài vật hướng về loài vật, coi loài vật là đối tượng thẩm mỹ trực tiếp, đối tượng chủ yếu của sự nhận thức và lý giải. Còn truyện ngụ ngôn chỉ dùng loài vật làm phương tiện để nhận thức và lý giải những vấn đề của con người và xã hội loài người mà thôi.

Chú thích

[1] cỡi: cưỡi.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 8:17 Chiều ngày 18/05/2017